Hiển thị các bài đăng có nhãn Đề tặng-phân ưu-tưởng niệm-chúc tụng-thăm hỏi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đề tặng-phân ưu-tưởng niệm-chúc tụng-thăm hỏi. Hiển thị tất cả bài đăng

12 tháng 4, 2024

Kiếp Người Như Nắng Ban Mai


Kiếp Người Như Nắng Ban Mai
(Kính tặng chú Đ.)

Cảnh đó nhưng chừ bóng dáng ai
Phiêu du vĩnh viễn nẻo Đông Đoài
Mưa trùm ngõ tối mưa se dạ
Gió nổi khung chiều gió buốt vai
Tưởng mãi năm canh thuyền ngự bến
Ngờ đâu một thoáng cánh xa đài
Kiếp người ừ nhỉ nơi trần thế
Ngắn ngủi như là giọt nắng mai

Việt Đường
(12/04/2024)

1 tháng 1, 2024

Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch 2024


Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch 2024

Dương Lịch tân niên chúc mọi nhà
Bao điều gánh vác đạt vinh hoa
Gầy nên thành tựu trai cùng gái
Sống được an nhiên trẻ chí già
Hạnh phúc nhân duyên hằng thắt chặt
Ưu phiền thế sự chóng rời xa
Mong sao khói lửa lui dần bước
Tái dựng muôn nơi cảnh thái hòa

Việt Đường
(01/01/2024)

29 tháng 11, 2023

KÍNH TIỄN BIỆT HOÀ THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ


KÍNH TIỄN BIỆT HOÀ THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ

KÍNH cẩn nghiêng đầu thắp nén nhang
TIỄN ai vừa khuất nẻo sen vàng
BIỆT ly ức dặm trời thương phố
HOÀ hiệp muôn trùng sóng lạc giang
THƯỢNG vị uy nghiêm bày lớp lớp
THÍCH danh uyên bác tụng hàng hàng 
TUỆ tâm trong sáng nào phai nhạt
khí ngàn đời mãi vọng vang

Việt Đường
(29/11/2023)

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào; Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh, Đồng nguyên quán xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Trung phần Việt Nam.

Thuở nhỏ Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà, là nhân duyên để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa. Năm 1952, do chạy giặc, Thầy được cha mẹ gởi lên chùa hành điệu hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào. Năm 1954, 9 tuổi, Thầy chính thức được thế phát xuất gia tại chùa này. Đến năm 12 tuổi, vị Trụ trì chùa nhận thấy khả năng và thiên tư đặc biệt của người học trò này, đã khuyên gia đình nên đưa Thầy về Việt Nam để rộng đường tu học. Năm 1960 Thầy trở về Việt Nam, sống xa gia đình tại chùa Bồ đề, một ngôi chùa nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế. Hành trang Thầy lúc đó là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ Hán Thầy luôn giữ bên mình, đến năm 1968 do biến cố Tết Mậu thân mới bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế. Chú của Thầy là Hòa thượng Thích Trí Quang, một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo trong thập niên 1960, lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy với bản tính độc lập, Thầy đã một mình giong ruổi qua các địa phương: Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Tiền Giang và các tỉnh miền Nam, tự lập và sống nương nhờ các tự viện lớn nhỏ. Năm 1961, 16 tuổi, Thầy thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn. Năm này, Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân, tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh. Sau cùng Thầy được Hòa thượng (viết tắt là HT) Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam ở Gò Vấp, Sài Gòn. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964, học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học niên khóa 1965. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận, HT Thích Đức Nhuận là người đầu tiên phát hiện tài năng của người tu sĩ trẻ, đã giới thiệu Thầy vào Viện ĐH Vạn Hạnh. HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng lúc đó đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho Thầy, nhưng Thầy xin phép được từ chối.

Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như Đại Cương Về Thiền Quán, do Đại lão HT Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa ấn quán in 1967, Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v… Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học này (niên khóa 1972-1973). Thầy tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Thầy cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch, in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, HT. Thích Trí Thủ thấy Thầy mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy, Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo, và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang năm 1973, với HT. Đàn đầu Thích Phúc Hộ, HT. Yết-ma Thích Giác Tánh, Giáo thọ sư HT. Thích Trí Nghiêm, Thích Huệ Hưng.

HT. Tuệ Sỹ không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa, Thầy còn tinh thông triết học Tây phương, văn chương, thơ, âm nhạc. HT nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của Trung quốc như Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, HT đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’ (Ca Dao xb, Sài Gòn, 1973). Về âm nhạc, HT chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo. Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. HT làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc, phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn. Đồng thời HT cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh. Tập thơ đặc sắc bằng chữ Hán, ‘Ngục trung mị ngữ’ được HT làm trong tù sau năm 1975, và các tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’, ‘Những điệp khúc cho dương cầm’, ‘Thiên lý độc hành’ sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ, phát hành rộng rãi tại hải ngoại.

Từ trẻ HT đã thuộc lòng các bộ Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Thắng Man, Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, tư tưởng Bồ-tát đạo trong kinh này và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, HT đã viết giảng luận “Huyền thoại Duy-ma-cật”, và đi theo hình mẫu lý tưởng này, HT đã không ngại dấn thân phụng sự, và ngài đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973 HT về Nha Trang làm Giám học Phật học viện Trung phần (tức Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức), do HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975, HT Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang. Sau biến cố 30/4/1975, cơ sở này bị đóng cửa, HT về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Đến năm 1977, HT vào Sài Gòn lánh nạn ở chùa Tập Thành quận Bình Thạnh. Năm 1978, HT bị nhà cầm quyền bắt giam 3 năm không xét xử (tội cư trú bất hợp pháp), cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù, nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng, có thể không thanh tịnh, HT được thọ lại Đại giới Cụ túc tại Quảng Hương Già-lam năm 1982 do HT. Thích Trí Thủ làm đàn đầu, HT. Thích Trí Quang làm tôn chứng, HT. Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Từ năm 1980 đến 1984, HT làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam do Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Tháng 4/1984, HT lại bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ mà hai thầy tự biện hộ cho mình, nhà cầm quyền đã kết án TỬ HÌNH hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam HT tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng HT ra trại A-20 tỉnh Phú Yên. Tháng 10/1994, với sự phản kháng trong tù, HT bị nhà cầm quyền tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền (Hellman-Hammett Awards) cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03/8/1998.

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, HT đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc HT ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, HT đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Và Hà Nội đã phải trả tự do cho HT vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Thầy không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ HT suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.

Ngày 02/9/1998, lúc 10 giờ 45, Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, HT không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học viện Hải Đức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh HT phải về chùa Già Lam ở Sài-gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này”. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận của Thầy.

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm tôn giáo Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là tấm gương sáng, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc.” Đối với Hòa thượng Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà là Văn hóa và Xã hội, trong đó Giáo dục có vai trò rất quan trọng. Nhưng công cuộc giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra, không thể chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo ra những thế hệ tăng ni có tài đức để phụng sự xã hội, xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, Hòa thượng Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam, Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra Hà Nội chữa bệnh và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, cũng như sự cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng cùng với HT. Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ, mời Hòa thượng đến thăm, làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón Hòa thượng đi một mình, không có thị giả, người phiên dịch.

Ngày 01/10/2003, Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ và một số Tăng ni tham dự đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên với tinh thần ‘uy vũ bất năng khuất’, Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu trong cùng năm 2003. Chính Đại hội này đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại, và toàn thể Tăng ni Phật tử đã suy tôn Đại lão HT Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008, đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Đại lão HT Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Từ đây, Hòa thượng Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này HT đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 03/ 2019, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí, biết sức khỏe không còn nhiều, Ngài đã mời HT Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống GHPGVNTN, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02/2020 Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 10/2020 ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, Hòa thượng là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên nên ở lại chữa trị, nếu không thì cuộc sống không thể kéo dài quá 6 tháng.

Qua năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại ở châu Á trong đó có Việt Nam, mà nặng nhất là Sài-gòn. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên Hòa thượng vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi cơn bạo bệnh để hàng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Tháng 11/2021 Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN đã thành lập từ năm 1973 nhưng sau đó bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 03/12/2021 Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Từ đây, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn được đẩy mạnh, thảy thảy đều theo quy củ đã định, để cuối cùng hình thành 29 tập đầu tiên được khởi in trong năm 2022, với công đức dự phần của các bậc Tôn túc cho đến Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh VN chính thức được tiếp nối từ Hội nghị Toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10/1973.

Qua năm 2022: Ngày 21/8, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT. Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Tiếp ngày 22/8 tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn, đã cử hành lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào lúc 16:00 giờ, ngày 24 tháng 11 năm 2023, nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, trụ thế 79 năm, 46 giới lạp.

Sự ra đi của Hòa thượng không chỉ là mất mát lớn lao của GHPGVNTN mà còn là niềm đau chung của Phật giáo Việt Nam, cũng như là sự khuất bóng đáng tiếc của một anh tài tinh hoa Dân tộc; nhưng di sản Văn hóa, Giáo dục to lớn mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương tối thiết cho hành giả và học giả muôn đời sau.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Sài Gòn ngày 24/11 năm 2023.
Môn đồ Pháp quyến

Nhiều năm trước AH có duyên gặp và làm bạn cùng phòng với Thầy Tuệ Sĩ, lúc đó Thầy còn ở cấp bậc Đại Đức, và mọi người chỉ gọi thế danh Thầy là Phạm Văn Thương. Tính Thầy rất bình dân, giản dị, không xa cách phân biệt tôn ti đạo với đời, ngay cả tên họ Thầy cũng được đưa ra làm trò đùa mà Thầy vẫn cười xuề xoà vui vẻ (Phạm có nghĩa là tù). Lúc vừa gặp, Thầy đã hỏi AH muốn ăn chay không thì ăn cơm chung với Thầy vì Thầy được chùa và Phật tử thăm nuôi tiếp tế thức ăn đầy đủ. Thầy bảo AH đừng ngại vì Thầy cũng đã từng làm vậy với nhiều người trước đó. Thầy lại chỉ dùng 1 bữa Ngọ trai và dành tất cả cơm chiều cho AH. Trước khi ăn, Thầy dành vài phút để tụng niệm. Trong phòng rất rảnh rỗi nên ngoài những lúc được gọi lên làm việc thì thời gian mọi người chỉ dùng để đánh cờ và kể chuyện. AH được biết Thầy học nhiều ngoại ngữ kể cả tiếng Phạn và từng giảng dạy ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Vốn tính ham học hỏi Thầy đề nghị trao đổi kiến thức với AH và một anh kỹ sư điện tử. Thầy dạy tiếng Đức, anh kỹ sư dạy điện tử và AH dạy hoá học. Thời gian gần một tháng thì AH bị chuyển đi, sau này chỉ nghe tin là Thầy Tuệ Sĩ cùng Thượng toạ Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình, rồi đổi thành khổ sai chung thân. Từ đó AH không còn biết tin tức gì về Thầy nữa. Hôm nay bàng hoàng hay tin Thầy viên tịch, xin hoạ với anh VĐ một bài để tỏ lòng thành kính tri ân Thầy.

ĐAU XÓT TIẾC THƯƠNG THẦY TUỆ SĨ
 
ĐAU lòng khắp chốn ngập mùi nhang
XÓT ngả về Tây ánh đạo vàng
TIẾC nghiệp đương chừng qua khổ hải
THƯƠNG đời chưa độ vượt mê giang
THẦY rời dương thế ân ghi dạ
TUỆ phát chân tâm lệ nhỏ hàng
tiết muôn người truyền hậu đại
CƠM NHƯỜNG TÌNH NẶNG TIẾNG CÒN VANG

Ái Hoa

21 tháng 10, 2023

Chúc Mừng Sinh Nhật


Chúc Mừng Sinh Nhật

Trời trải nắng phủ hồng vạn vật
Như đón chào sinh nhật của ai
Líu lo chim hót sân ngoài
Góp lời phụng hoạ êm tai vô vàn

Xin mến chúc bình an, phúc lộc 
Luôn theo người bảo bọc, chở che
Đời vui như gió trưa hè
Thênh thang dạo bước xun xoe cõi trần 

Xin mến chúc tinh thần, sức khỏe
Luôn tràn đầy mạnh mẽ suốt năm
Đời tươi như ánh trăng rằm
Trinh nguyên tỏa sáng xa xăm muôn trùng

Xin mến chúc thong dong tuổi mới
Cùng bao điều được khởi sắc thêm
Gia đình gắn bó êm đềm
Trẻ già, trai gái ngày đêm thuận hòa

Việt Đường
(21/10/2023)

14 tháng 10, 2023

Sửa Lỗi Chính Tả


Sửa Lỗi Chính Tả
(Viết vui, mến tặng cô giáo MTM)

Buôn bán không lo tận sức làm
Mà toàn sửa gáy dốc lòng kham
Khi thì bạo phổi viền đen chãnh
Lúc lại to gan gạch đỏ sàm
L mãi ghi N kìa chị Bắc
~ thường viết ? nọ anh Nam
Giữ gìn Quốc Ngữ ngày thêm đẹp
Bớt lỗi tràn lan gặp quá nhàm

Việt Đường
(14/10/2023)

30 tháng 5, 2021

Nợ Mẹ


Nợ Mẹ
(Kính tặng các bà mẹ Việt Nam, nhân ngày lễ Từ Mẫu hôm nay tại Pháp) 

Nợ nghĩa sinh thành, bảo bọc con
Nợ lo đèn sách đặng vuông tròn
Nợ thời bom đạn luôn che chở
Nợ buổi cơ hàn vẫn sắt son 

Nợ mẹ cơm ngon những sớm chiều
Nợ ngày đau ốm mãi nâng niu
Nợ khuya oi bức ngồi bên quạt
Nợ phút sầu bi gắng dắt dìu 

Nợ mẹ oằn mình suốt tháng năm
Bôn ba nắng quái hoặc mưa dầm
Mưu sinh chẳng quản thân gầy yếu
Gánh vác gia đình vượt tối tăm 

Nợ mẹ bao giờ trả hết đây
Nợ như biển cả thế gian này
Nợ từ bé dại lên khôn lớn
Nợ khắc ghi lòng chẳng đổi thay 

Việt Đường
(30/05/2021)

4 tháng 12, 2020

Hoài Vọng Tháng Chạp


Hoài Vọng Tháng Chạp

Tháng Chạp đang về giữa phố xa
Mang theo khí lạnh phủ muôn nhà
Bềnh bồng sương trắng ngoài hiên lượn
Phất phới cơ hồ những cánh hoa 

Tháng Chạp đang về báo Giáng Sinh
Mươi hôm nữa đến trải thanh bình
Hồi chuông thánh lễ chờ ngân tiếng
Đón Chúa Hài Đồng rộn rã nghinh 

Tháng Chạp đang về có biết không
Đèn giăng khắp ngõ sắc tươi hồng
Như thầm chúc tụng toàn nhân thế
Hạnh phúc sum vầy thỏa ước mong 

Tháng Chạp đang về dù cuộc sống
Ngày qua gặp phải lắm u sầu
Thiên tai, dịch bệnh còn đeo đuổi
Thế giới chưa ngừng cảnh giết nhau 

Tháng Chạp đang về kết thúc năm
Chúc ai vững bước trước thăng trầm
Tương lai xán lạn tin yêu giữ
Lèo lái thuyền đời vượt tối tăm 

Việt Đường
(04/12/2020)

3 tháng 4, 2020

Covid-19 : Lời Cầu An & Nhắn Nhủ


Covid-19 : Lời Cầu An & Nhắn Nhủ

Mong rằng thế giới sớm bình an
Thoát khỏi tai ương chuốc khổ nàn
Chống đuổi thành công cơn đại dịch
Bao ngày quấy nhiễu cõi dương gian

Vẹn toàn sinh mạng giữ cho ta
Hãy dặn dò nhau ở tại nhà
Tránh chỗ đông người lai vãng đến
Ngăn ngừa khuẩn bệnh chóng lan xa

Vệ sinh chẳng những tỏ chuyên cần
Thể dục còn rèn giúp bản thân
Đối kháng dài lâu và hữu hiệu
Đừng quên nhắc nhở khắp xa gần

Xuất gia có việc phải mua hàng
Kỹ lưỡng thoa cồn, bịt khẩu trang
Một thước cách ly người đối diện
Luôn lưu ý giữ thật đàng hoàng

Từng điều khuyến cáo được đưa ra
Ráng chấp hành theo trẻ chí già
Chớ hãy xem thường, xao lãng nhé
Đau thương nhận lãnh chỉ thêm là

Việt Đường
(03/04/2020)

28 tháng 3, 2020

Những Đóa Từ Tâm (25)


Những Đóa Từ Tâm (25)

01- Thu Chết

Vào thu gió chở sắt se
Thổi cây nghiêng ngả trên hè phố sang
Hắt hiu muôn chiếc lá vàng
Lìa cành rụng chết ngổn ngang giăng sầu

Việt Đường
(28/11/2019)

02- Black Friday

Mần ra gặp Black Friday
Người ùn mua sắm rảo đầy khắp nơi
Chen chân mệt thấy ông trời
Về nhà toàn mạng eo ơi thở phào

Việt Đường
(29/11/2019)

03- Giao Hảo

Sans la bonté envers tes amis
Comment peux-tu espérer en retour
Leur protection et aide
Lors de tes faux pas et tout au long de ta vie?

Sống không giao hảo bạn bè
Đến khi lâm nạn, ai che chở mình
Ai san sẻ gánh điêu linh
Dìu nhau bước trọn hành trình dương gian?

Việt Đường
(03/12/2019)

04- Nhớ Gì?

Sáng nay sương lạnh giăng mờ phố
Cảnh vật đìu hiu vắng bóng người
Lữ khách trầm ngâm ra đứng ngõ
Nhớ gì khi ngắm tháng ngày trôi?

Việt Đường
(10/12/2019)

05- Mướn Thay Toàn Bộ

Ta nhờ mướn Park Hang-Seo
Mà nên vô địch, ì xèo hát ca
Sao không mướn đổi, ối chà
Toàn ban lãnh đạo nước ta luôn hè?

Việt Đường
(12/12/2019)

06- Đừng Nên Vội

“Ne sois pas trop pressé de tout comprendre. Apprécie l’inconnu et laisse la vie te surprendre”

Đừng ham muốn quá vội
Được hiểu rộng, nhìn xa
Hãy để đời mang đến
Những bất ngờ cho ta

Việt Đường
(13/12/2019)

07- Buồn Vui Kiếp Người

Giá như bán được nỗi buồn
Lắm người hẳn sẽ đi buôn kiếm lời
Giá mà mua được niềm vui
Lắm người hẳn sẽ yêu đời vô song

Buồn vui ngự trị trong lòng
Có mua bán được cũng xong kiếp người

Việt Đường
(14/12/2018)

08- Vững Chí, Bền Gan

Đời người lên thác, xuống ghềnh
Như thuyền cỡi sóng lênh đênh dặm ngàn
Làm trai vững chí, bền gan
Sá chi biển lớn dâng tràn bủa vây

Việt Đường
(17/12/2019)

09- Cương Thường Đạo Lý

Cương thường đạo lý làm người
Dạy ta khuôn phép phải nuôi giữ lòng
Dẫu sa bĩ cực, gai chông
Đừng cho sai phạm, chớ hòng lãng quên

Việt Đường
(17/12/2019)

10- Tình Xưa Còn Nhớ?

Ba mươi năm chợt thoáng qua
Hỏi ai còn nhớ đậm đà tình xưa?

Việt Đường
(28/12/2019)

11- Tùy Người

Những gì muốn nói đã xong
Người nghe hay bác, tùy lòng người thôi

Việt Đường
(29/12/2019)

12- Nguyện Ước Đầu Năm

Tờ lịch cuối trên tường
Đang chờ người bốc xuống
Một năm mới an khương
Cầu mang về tứ hướng

Việt Đường
(31/12/2019)

13- Giờ Khuất Nơi Mô?

Mai mốt ta về thăm xóm cũ
Hỏi đường phố lạ vắng người quen
Căn nhà ngày trước ta cư ngụ
Giờ khuất nơi mô tắt ngúm đèn?

Việt Đường
(02/01/2020)

14- Bao Dung & Thương Yêu

Bao dung và sự thương yêu
Dễ lan tỏa nhất là điều chẳng sai

Việt Đường
(03/01/2020)

15- Cầu Chúc Bình An

Nghe tin Úc bị hỏa hành
Rừng thiêu, nhà đốt lan nhanh khắp miền
Chúc ai muôn sự bình yên
Tai qua, nạn khỏi, muộn phiền chóng vơi

Việt Đường
(04/01/2020)

16- Càng Thấy Càng Khinh

Tưởng kéo hằng hà chống ngoại xâm
Ai ngờ dốc lực cướp Đồng Tâm
Nhìn đoàn khuyển mã lăm le tiến
Mà thấy thêm khinh Đảng chết bầm

Việt Đường
(11/01/2020)

17- Tội Ác Đảng Quyền

(Hình Chloe' Vo chuyển)

"Ăn đạn trên giường thành khủng bố
Hụt chân xuống giếng hóa anh hùng"
Lừa dân trị nước ai qua Đảng
Tội ác tày trời bất khả dung!

Đọc 2 câu đối mang tính chất thời sự trong hình, ngẫu hứng cảm đề 2 câu:

Mỹ Đức ô danh thằng Phú Trọng
Đồng Tâm khét tiếng lão Đình Kình

Việt Đường
(17/01/2020)

18- Lòng Ta Tết Đến

Lòng ta chưng, tét thơm lừng
Lòng ta xác pháo chợt vương vãi đầy
Lòng ta nở thắm đào, mai
Lòng ta thành kính ai bày khói nhang

Lòng ta chiêng trống rộn ràng
Lòng ta hương Tết mênh mang đang về

Việt Đường
(21/01/2020)

19- Xuân Đã Rời Xa?

Lẽ nào xuân đã đi xa
Nên ngày tắt nắng, mưa nhòa nhạt rơi
Cánh hoa lẻ bạn bên trời
Nằm tương tư nhớ cũng phôi phai màu

Việt Đường
(04/02/2020)

20- Hạnh Phúc Người Là Hạnh Phúc Ta

Càng vì người khác quan tâm
Càng xây hạnh phúc trong tầm tay ta

Việt Đường
(07/02/2020)

21- Thèm Được Ruổi Rong

Mưa rơi, gió rít cả ngày
Nằm nghe bão tố cuồng xoay giữa dòng
Chợt thèm một thoáng đi rong
Xa rời cõi thế chất chồng ưu tư

Việt Đường
(16/02/2020)

22- Đố Vui Giải Sầu

Con gì chưa thấy tăm hơi
Nghe tên đã đủ rụng rời tay chân
Nghèo, sang, lớn, bé, lanh, đần
Vội vàng ré chạy cứu thân, sượng sùng?

Hỏi 1: "Con" được nói đến trong 4 câu thơ là con gì?
Hỏi 2: Những từ nào trong 4 câu thơ rõ ràng là đang nói đến "con" ấy? Hãy liệt kê chúng ra..

Đáp:

CORONAVIRUS

COn gì chưa thấy tăm hơi
Nghe tên đã đủ Rụng rời tay chân
NghèO, saNg, lớn, bé, lAnh, đần
VI vàng Ré chạy cứU thân, Sượng sùng!?

Việt Đường
(18/02/2020)

23- Về Đâu Cuối Nẻo Viễn Chinh?

Vầng dương le lói chân trời
Như buồn thức dậy rong chơi phố phường
Một mình lầm lũi tha hương
Về đâu lữ khách cuối đường viễn chinh?

Việt Đường
(21/02/2020)

24- Sang Hèn Chớ Hãy Xa Nhau

Ngõ trần ngày tháng ruổi rong
Thương nhau hãy gửi tình nồng cho nhau
Dù ai khó nhọc, sang giàu
Cũng đừng đen trắng, vàng thau tách rời

Việt Đường
(22/02/2020)

25- Tình Si
(Ghẹo bạn học cũ nhân xem hình)

Không kiều diễm tựa Tây Thi
Song về nhan sắc ai bì được em
Mày cong, má thắm, môi mềm
Gặp rồi ngơ ngẩn, đêm đêm nhớ thầm

Việt Đường
(24/02/2020)

26- Tiễn Biệt Đại Lão HT Thích Quảng Độ
(Viên tịch ngày 22/02 tại chùa Từ Hiếu, phường 1, quận 8, Sài Gòn)


Tiễn nhà lãnh đạo trung kiên
Bao năm tranh đấu cho quyền công dân
Trước muôn đàn áp hung thần
Vẫn luôn bền bỉ dấn thân kêu đòi

Vẫn luôn là ngọn đuốc soi
Con thuyền Phật pháp qua thời mạt vong
Là gương chính trực, anh hùng
"Tự do tín ngưỡng" quyết không cúi đầu

Tiễn ngài về chốn non cao
Với niềm thành kính dạt dào khôn vơi

Việt Đường
(26/02/2020)

27- Hoan Hô Đồng Chí Phạm Tuân

https://www.facebook.com/123610577740921/posts/2328141527287804/

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Chiến cơ giặc Mỹ bay tuần trời cao
Thế mà giương súng bắn nhào
Làm cho bọn trẻ lao nhao phục tài

(Tài Tuân hạ B-52
Đo lường bằng mét, thân dài.. sáu trăm)
Đang bay phát hỏa rơi nằm
Hoan hô xạ thủ vừa khăm lại cừ!

Việt Đường
(27/02/2020)

28- Còn Chăng Là Nỗi Nhớ

Ngày lên sương lạnh mờ giăng
Hắt hiu mây trắng dùng dằng nhẹ trôi
Xuân đi xuân đã xa rồi
Còn chăng nỗi nhớ đơn côi trăm chiều

Việt Đường
(03/03/2020)

29- Âu Là Số Mệnh

Bình an được sống tới già
Âu phần phúc lớn cho ta trời dành
Lâm hồi thập tử nhất sinh
Cũng là mạng số cam đành chịu thôi

Việt Đường
(04/03/2020)

30- Thời Cuộc Bất An

Chưa bao giờ thấy khi nào
Dân tình, thế thái lo âu dường này
Khẩu trang, kem sát trùng tay
Nhiều nơi hết sạch không đầy vài hôm

Việt Đường
(05/03/2020)

31- Ẩn Mình Làm Thơ

Trong thời dịch bệnh leo thang
Đi đâu cũng ngại cũng càng thêm lo
Vào ra lưỡng lự hằng giờ
Thôi đành ở lại.. mần thơ cho lành

Việt Đường
(07/03/2020)

32- Tiệc Xuân

Trước khi đóng cửa, chặt cầu
Ngừng lai vãng tới nơi đâu đông người
Gồng mình dự buổi chót chơi
Cho lòng dậy tết, cho đời thêm xuân

(Màn múa lân khai mạc CT Xuân Họp Mặt của nhóm Bàn Tay Nhân Ái, chiều Chủ Nhật 01/03/2020 tại nhà hàng LA CHINE MASSENA) :


Việt Đường
(07/03/2020)

33- Hiếm Quý Hơn Vàng

Ai ngờ cồn với khẩu trang
Thời nay hiếm, quý hơn vàng đó nha
Hỏi mô cũng hết, úi chà
Mai mà nhiễm chắc.. chít cha ngộ dzồi!

Việt Đường
(07/03/2020)

34- Tác Hại Nhân Loài?

Vốn từ động vật phôi thai
Hay do tác hại nhân loài mà ra
Gây bao thảm sát, phiền hà
Hỡi vi khuẩn Corona vô hình?

Việt Đường
(08/03/2020)

35- Cầu Trời Ban Phép Lạ
(Gửi anh Vũ Thế Dũng)

Nghe anh lâm bệnh ngặt nghèo
Mệnh phần như chỉ đang treo trước mành
Phục đầu khấn vái Cao Xanh
Rủ lòng ban hạ phép lành cứu nguy

Việt Đường
(10/03/2020)

36- Sang Hèn Cũng Như Nhau

Dịch lây đâu kể sang hèn
Người nhàn nhã kiếp, kẻ đen đủi đời
Lằn ranh sinh tử, hỡi ơi
Mỏng manh như ánh tơ trời chiều đông

Việt Đường
(10/03/2020)

37- Chiều Đông Lãng Du

Chiều lên gió mát, trời thanh
Lang thang ngắm bóng cây cành ngủ say
Nghe bao phiền muộn, hao gầy
Lòng trần đeo đuổi nhẹ bay xa vời

Việt Đường
(11/03/2020)

38- Cầu Mong

Cầu mong bạn hữu, gia đình
Suốt mùa dịch bệnh phát sinh, lan tràn
Vẫn luôn nuôi dưỡng lạc quan
Kiên trì chống chỏi, an toàn vươn lên

Việt Đường
(12/03/2020)

39- Lánh Dịch Tại Gia

Sở làm họp khẩn đưa ra
Thông tin khuyến cáo nghỉ nhà từ đây
Gọi là "lánh dịch" mươi ngày
Chờ thay đổi mới hẵng quay trở về

Cuối tuần sửa soạn ghé bê
Đồ ăn dự trữ, dám lề mề ư!

Việt Đường
(14/03/2020)

40- Điểm Danh

Lâu lâu mở cuộc điểm danh
Dò thăm già trẻ an lành ra sao
Trong cơn lốc xoáy ba đào
Từng phen tiến lại lao đao tác hành

Việt Đường
(14/03/2020)

41- Tiễn Biệt Ca Sĩ Thái Thanh
(05/08/1934 - 17/03/2020)

Giọng ca tiêu biểu một thời
Gieo nhiều cảm xúc, chơi vơi muôn lòng
Là linh hồn, tiếng núi sông
Tiễn bà cõi Phúc phiêu bồng tịnh yên


Việt Đường
(18/03/2020)

42- Tự Giam Bất Đắc Dĩ

Chưa bao giờ bị cầm tù
Nay vì tránh dịch phải.. tu tại nhà
Đâu gì bực bội bằng ha
Kéo dài mươi bữa chắc là.. hóa điên!

Việt Đường
(19/03/2020)

43- Gọi Nắng

Nắng lên cho má em hồng
Cho cây đơm trái, cho bông khoe màu
Cho lòng lúc nghĩ về nhau
Càng ăm ắp nhớ, càng dào dạt thương

Việt Đường
(20/03/2020)

44- Rèn Thể Dục Cầu An

Chiều nao xong việc cũng gồng
Dựng bàn lên đánh ping-pong một mình
Trước là thư giãn thần kinh
Sau rèn sức khỏe giữ bình an thôi

Việt Đường
(20/03/2020)

45- Tránh Vết Xe Lăn

Hiển nhiên Ý phạm sai lầm
Gây bao chết chóc thương tâm hiện thời
Nhưng là một tấm gương soi
Cho nhiều nước bạn xa rời vết lăn

Việt Đường
(21/03/2020)

46- Stay Home, Save Lives

STAY HOME, SAVE LIVES
POUR SAUVER DES VIES, RESTEZ CHES VOUS
DUY TRÌ SINH MẠNG CON NGƯỜI
Ở NHÀ, CHỚ HÃY RONG CHƠI PHỐ PHƯỜNG

Việt Đường
(21/03/2020)

47- Robinson Crusoe Tân Thời


Qua mùa dịch, bước ra đường
Nom mình giống.. Robinson lưu đày
Ngó Đông rồi lại nhìn Tây
Ngáo ngơ, hẳn thật khôi hài lắm ru!

Việt Đường
(21/03/2020)

48- Viễn Ảnh Khốn Cùng

Ngày ngày, số lượng tử vong
Cũng như lây nhiễm càng chồng chất cao
Quay lưng há dễ được nào
Trước muôn viễn ảnh lao đao, khốn cùng

Việt Đường
(23/03/2020)

49- Tạ Ơn Già Trẻ Ngành Y

Tạ ơn già trẻ ngành y
Ngày đêm góp mặt, sá gì hiểm hung
Gian lao gánh vác không ngừng
Kiên trì chữa bệnh, tận trung giúp đời

Việt Đường
(24/03/2020)

50- Bản Đồ Di Chuyển Mùa Dịch

(Hình Chloe' Vo chuyển)

Bản đồ di chuyển của tôi
Trong mùa lánh dịch hiện thời là đây
Không hề sai khác một ngày
Thành tâm xin được hôm nay trình làng

Việt Đường
(25/03/2020)

51- Khuynh Đảo Năm Châu

Ngẫm con vi-rút vô hình
Ai hay một sớm làm khuynh đảo cùng
Năm châu, bốn biển nào dung
Gây bao chết chóc hãi hùng dương gian

Việt Đường
(26/03/2020)

52- Ở Nhà Riết Đâm Lú

Có khi nào.. ở nhà lâu
Tên bè bạn riết trong đầu quên luôn
Gặp ai miệng cũng luông tuồng
"CORONA" gọi i-uông không hè?

Việt Đường
(27/03/2020)

53- Nhà Vắng Khách

Lẻn ra nhấn thử.. chuông nhà
Vì lâu chẳng thấy ai qua ngõ mình
Nghe hồi chuông phá lặng thinh
Mà vui như có.. nhân tình ghé chơi!

Việt Đường
(28/03/2020)

25 tháng 1, 2020

Chúc Tết Canh Tý 2020


Chúc Tết Canh Tý 2020

Chúc Tết vừa sang đặng thái hòa
Chúc nhiều hạnh phúc cát tường nha
Chúc tài tựa nước tràn muôn nẻo
Chúc lộc như sung rải vạn nhà
Chúc bước công danh hằng tiến triển
Chúc đường sự nghiệp mãi thăng hoa
Chúc vui chúc khỏe tròn duyên nợ
Chúc sống bình an trẻ chí già

Việt Đường
(25/01/2020, tức mùng 1 Tết năm Canh Tý)

27 tháng 12, 2019

Xuân Về Trong Dáng Em


Giáng Sinh chưa thỏa sum vầy
Lại chờ năm mới về đây quây quần
Thay lời chúc tụng ngày xuân
Mừng nhau xin gửi xa gần bài thơ

Xuân Về Trong Dáng Em

Có một mùa xuân
Chợt về đâu đó
Từ em qua ngõ
Ghé lại hồn anh

Chim lượn trên cành
Vui đùa ríu rít
Cũng chưa nói hết
Say đắm tình ai

Hình bóng trang đài
Khoan thai ẩn hiện
Cho lòng xao xuyến
Lúc trộm nhìn sang

Em là mai vàng
Hoa đào trước gió
Là tràng pháo nổ
Cánh én ngày xuân

Em đến thật gần
Mang theo nắng mới
Tà bay phất phới
Vũ điệu yêu thương

Từ muôn ngả đường
Tha phương yên ả
Bỗng ngân rộn rã
Câu hát đón chào

Rừng lá lao xao
Mỉm cười vẫy gọi
Mừng em đang tới
Ấm áp quây quần

Có một mùa xuân
Đang về đây đó
Từ em qua ngõ
Ghé ngự trần gian

Việt Đường
(27/12/2019)

20 tháng 12, 2019

Mừng Chúc Giáng Sinh


Mừng Chúc Giáng Sinh

Chúc nhau hạnh phúc Giáng Sinh về
Chúc được nhiều quà thỏa thích bê
Chúc bữa ăn ngon giòn miệng nói
Chúc phen uống mạnh ấm vai kề
Chúc chiều rộn rã lời ca đẹp
Chúc tối êm đềm bước nhảy mê
Chúc mọi gia đình muôn bạn hữu
Chúc vui sum họp khắp tư bề

Việt Đường
(20/12/2019)

14 tháng 12, 2019

VIỆT ĐƯỜNG

VIỆT ĐƯỜNG
(thơ đề tặng)

Tổ quốc mang trên vạn nẻo đường (AH)
Hoàng kỳ bất tử vẫn hằng giương (cg)
Từ tâm một đoá trong như ngọc (PN)
Khí phách hai vai vững tựa rường (TM)
Phục trí Thầy Đồ thơ quá nhuyễn (AH)
Kinh tài Cụ Trạng đối vừa đương (TM)
Văn ban võ nghệ làu thông cả (PN)
Phật pháp điều nghiên lý tỏ tường (Mytt)

@@@

Cảm ơn bạn hữu quá khen
Liên tài viết tặng kẻ hèn làm thơ
Ngôn từ tiến bộ ấy nhờ
Đào Viên tự thuở ban sơ ghé dừng

VIỆT ĐƯỜNG
(thơ họa đáp)

Bút pháp thâm niên của Việt Đường
Ngày càng khởi sắc bởi thường giương
Lòng thành một mực phò sông núi
Chí cả hai tay giữ cột rường
Học sách Ái Hoa vườn ghé đọc
Yêu ngòi Hàn Sĩ góc tìm đương
Nghèo văn kém võ tồi kinh Phật
Hằng cố dồi trau đến tận tường

Việt Đường
(14/12/2019)

14 tháng 11, 2019

Tiễn Người Nằm Xuống


Tiễn Người Nằm Xuống
(viết tặng cho số phận bi thảm của 39 nạn nhân gốc Việt tử nạn tại Anh quốc)

Xưa tìm hạnh phúc vượt trùng khơi
Nay muốn thành công muốn đổi đời
Gái bỏ gia đình xuôi lắm hướng
Trai lìa tổ quốc dạt nhiều nơi
Làm thuê cật lực không sờn chí
Ở lậu thương tâm chẳng trách lời
Những tưởng ước mơ suôn sẻ đạt
Đâu ngờ mắc họa trút tàn hơi

Tàn hơi mất mạng chốn kinh thành
Trên quãng đường dài đến xứ Anh
Xác chất lòng xe đầy cửa ngõ
Hồn nương góc phố nhạt cây cành
Nghe tin mẹ khóc người co lại
Đọc báo cha buồn lệ ứa quanh
Thế giới bàng hoàng đau xót tiễn
Trời xa siêu thoát nghỉ an lành

Việt Đường
(14/11/2019)

17 tháng 8, 2019

Vu Lan Tưởng Kính Cha


Vu Lan Tưởng Kính Cha

Vu Lan còn mẹ thế nhưng mà
Vĩnh viễn đời này thiếu bóng cha
Di cảo tuy hằng lưu luyến ngõ
Dư âm dẫu mãi quẩn quanh nhà
Sinh ly vốn biết thường vô hạn
Tử biệt đâu ngờ chỉ sát na
Một vái tri ân thành kính tưởng
Dâng ai đã khuất nẻo sơn hà

Việt Đường
(17/08/2019)

Cát Bụi Thành Đôi


Tặng riêng bao cảnh lứa đôi
Nợ duyên gãy gánh bên đời quạnh hiu

Cát Bụi Thành Đôi

Hàng ghế vẫn âm thầm ngóng đợi
Người về đây kết nối tình xưa
Qua bao nắng hạn, mưa mùa
Tri âm biền biệt sao chưa thấy về

Để ngày tháng lê thê chợt hỏi
Phải chăng người đã khói hương bay
Thiên thu để lại nơi này
Bời bời thương nhớ, đắng cay trăm chiều

Để ngày tháng đìu hiu, quạnh quẽ
Ngồi ôm đàn khe khẽ hát ca
Này trăng trên đỉnh giang hà
Hãy đưa ta đến thật xa bên người

Để ta mãi được xuôi ngược với
Người yêu xưa lỡ mối duyên đầu
Từ đây cát bụi có nhau
Từ đây chấm dứt u sầu, cách chia

Việt Đường
(17/08/2019)

24 tháng 4, 2019

Tháng Tư Tưởng Niệm Các Anh Hùng


Tháng Tư Tưởng Niệm Các Anh Hùng

Thắp nén hương lòng gửi chốn xa
Tri ân tử sĩ giữ sơn hà
Điều binh một thuở phò dân tộc
Khiển tướng muôn ngày trị quốc gia
Dục Mỹ còn vang lời diệt ác
Gio Linh vẫn nhớ súng ngăn tà
Gương hùng rạng rỡ hằng ghi khắc
Giữa đáy tim hồng mỗi chúng ta

Việt Đường
(24/04/2019)

7 tháng 4, 2019

Tiễn Biệt Người Hùng Lý Tống


Tiễn Biệt Người Hùng Lý Tống

Một cánh chim bằng đã vụt bay
Thương yêu để lại thế gian này
Gương hùng sáng rỡ tuồng đao kiếm
Chí cả cao vời tựa gió mây
Phục quốc đâu nề sa khổ ải
Phò dân há ngại vướng tù đày
Chào trai Phù Đổng, Kinh Kha Việt
Vĩnh cửu xa lìa, trả nợ vay

Việt Đường
(07/04/2019)