29 tháng 12, 2013

Giã Biệt CSC Cảm Khái


Giã Biệt CSC Cảm Khái

Mười lăm năm lẻ : quãng đường dài
Khối cảnh thăng trầm thách đố trai
Áp lực hợp đồng vây trí não
Chỉ tiêu dự án xiết hình hài
Nhiều đêm thức muộn lo hằn trán
Lắm buổi ngồi thừ mệt trĩu vai
Tất cả giờ đây chìm dĩ vãng
Khi riêng rẽ bước nẻo Đông Đoài

Đông Đoài xốc vác mỗi mình ta
Dấn cuộc phiêu lưu giữa hải hà
Mạnh được yếu thua tay chống chỏi
Trong nhờ đục chịu gót bôn ba
Không liều chẳng thể giành an lạc  
Mãi sợ làm sao vượt ác tà
Mã đáo công thành tâm nhắn nhủ
Dù rằng đích tới hãy còn xa !

Việt Đường
(29/12/2013)

Bàn Cờ Trong Tôi


Bàn Cờ Trong Tôi

Bất chợt hôm nay thấy nhớ nhà
Nhớ từng ngõ ngách đã đi qua
Tối tăm chật chội mà vui vẻ
Hun hút quanh co lại nượp nà
Dạo gót đường quê người lũ lượt
Chen mình quán chợ khách bôn ba
Bàn Cờ phố hẻm xa xôi ấy
Vẫn khắc trong tôi dấu mượt mà

Việt Đường
(29/12/2013)


22 tháng 12, 2013

Tiễn Biệt Anh Việt Dzũng


Tiễn Biệt Anh Việt Dzũng

Người hùng kiệt xuất sớm ra đi
Để lại ngàn thương ức nể vì
Dân chủ hô hào luôn dấn cuộc
Nhân quyền tranh đấu chẳng nề khi
Lời kinh mãi vọng chiều thôn dã
Tiếng hát còn neo bóng quốc kỳ
Tiễn biệt anh về nơi nước Chúa
Yên bình thiếp ngủ giấc vô vi

Việt Đường
(22/12/2013)

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VIỆT DŨNG

Việt Dzũng, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, người hoạt động quên mình, tận tâm, không ngừng cùng đồng bào hải ngoại giương cao ngọn cờ vàng chính nghĩa chống cộng sản, tranh đấu cho quyền làm người, tình thương và công lý, chân thiện mỹ, truyền thông và nghệ thuật. Anh Việt Dzũng là con cưng của nước Việt, vừa qua đời tại nam California hôm nay Thứ Sáu ngày 20.12. 2013. Nguyện cầu linh hồn Việt Dzũng vĩnh viễn bình an ở Nuớc Trời cùng Thiên Chúa, các Thánh, và các Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam muôn thuở.

Nghệ sĩ Việt Dzũng

Suốt hơn ba mươi năm nay, Việt Dzũng là một cái tên quen thuộc với hầu hết mọi người Việt đang sinh sống ở hải ngoại, kể cả rất nhiều người dân trong nước cũng biết đến tên anh..Nhưng cho tới nay vẫn chưa có ai viết cho thật đầy đủ về người nghệ sĩ đa tài này và những đóng góp to lớn của anh trên nhiều lãnh vực khác nhau, nhứt là trong địa hạt ca nhạc và truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên là đề tài cho các tờ báo trong nước tấn công từ hơn hai chục năm nay, với những lời vu cáo, mạ lỵ nhằm dìm anh xuống đáy vực sâu.

Nhưng người nghệ sĩ và chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền này vẫn mạnh dạn vượt qua tất cả những khổ nạn chập chùng, oan khiên chất ngất và càng ngày anh càng được nhiều người yêu mến anh thêm. Cũng chính biến cố 30 tháng tư năm 1975 cùng với sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam đã đưa Việt Dzũng rời xa quê hương mà cho đến nay chưa một lần nào anh đặt chân trở lại. Cùng với 36 người chen chúc nhau trên một chiếc tàu nhỏ bé, mong manh, Việt Dzũng và bà ngoại của anh đã vĩnh viễn rời xa gia đình và đất nước Việt nam. Sau 22 ngày trên biển khi không còn thức ăn, nước uống, cũng như phải chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương trên biển cả, tàu của họ mới cập được bến Singapore. Nhưng liền sau đó, tất cả lại bị chuyển qua một chiếc tàu khác và thẳng đường tới trại tị nạn Subic ở Phi Luật Tân.

Chính những kinh nghiệm sống trên đường vượt biển tìm tự do này đã khiến cho anh sáng tác rất thành công các ca khúc để đời sau này, mà tiêu biểu nhất vẫn là “Lời Kinh Đêm” với những câu ca: … “Thuyền trôi xa … về đâu ai biết ? Thuyền có về …ghé bến tự do ? Trời cao xanh … hay trời oan nghiệt Trời có buồn … hay trời vẫn làm ngơ ?… … Người buông xuôi về nơi đáy nước Người có mộng một nấm mồ xanh ? Biển ngây ngô hay biển man rợ Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ …?” Chưa đầy 17 tuổi mà đã rời xa mái ấm gia đình, bỏ lại sau lưng tất cả những người thân yêu, bè bạn, mái trường yêu dấu với những sinh hoạt vui tươi của tuổi học trò.

Chắc chắn là có những khoảnh khắc anh Nguyễn Ngọc Hùng Dũng chợt nhớ lại quãng đời niên thiếu ngập tràn kỷ niệm của mình, đã bỏ lại sau lưng tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Từ nhỏ anh đã là một học sinh xuất sắc của trường Lasalle Taberd ở Sài Gòn, cũng như anh trai và đứa em trai kế của anh. Người chị lớn của anh thì đang du học bên Nhật Bản về ngành giáo dục. Ba của anh là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, cựu Dân Biểu của nền đệ nhị cộng hoà Việt Nam và cũng là Thiếu Tá Y sĩ trưởng Bộ Tổng Tham Mưu và Sư đoàn 5 QLVNCH. Mẹ của anh là giáo sư trường nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn.

Việt Dzũng đã yêu thích âm nhạc từ khi còn rất trẻ và được các sư huynh ở trường Lasalle Taberd chỉ dạy rất tận tình. Trong lúc gia đình mong cho anh sau này trở thành Bác sĩ để nối nghiệp cha, thì Việt Dzũng lại đam mê ca hát, văn nghệ văn gừng. Anh thường cùng các bạn học trình diễn ca nhạc ở những buổi văn nghệ liên trường. Việt Dzũng đã từng chiếm giải nhất ở cuộc thi văn nghệ của trường Taberd và đại diện trường đi tham dự các buổi hát ủy lạo chiến sĩ VNCH, cũng như tham dự vào những đại hội nhạc trẻ khắp nơi bên cạnh những tên tuổi nổi danh thời bấy giờ như Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel, Tùng Giang, Đức Huy, Elvis Phương.v.v..

Đó là khoảng thời gian từ năm 1971 cho tới tháng tư năm 1975. Giờ đây (tháng 6-1975), tại trại tạm cư Subic, chàng thanh niên trẻ Việt Dzũng tạm quên đi những kỷ niệm thật đẹp ở quê nhà mà bắt tay ngay vào đời sống mới. Với số vốn Anh ngữ học được ở trung học và tính tình hoạt bát, Việt Dzũng liền tham gia hoạt động trong ban tổ chức và điều hành trại, đón tiếp và giúp đở nhiều chuyến tàu tị nạn lần lượt cặp bến Subic cho đến khi trại này đóng cửa. Rời trại tị nạn này, Việt Dzũng cùng bà ngoại được đưa sang đảo Guam, rồi chuyển sang trại Ft. Chaffee ở tiểu bang Arkansas.

Trong thời gian này Việt Dzũng hoạt động không ngừng nghỉ, từ việc đón tiếp đồng bào tị nạn mới tới, sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo của trại, chương trình phát thanh của trại, làm thông dịch viên giúp đỡ rất nhiều người chung quanh. Ở lại trại gần đến ngày cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ và gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ. Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học lớp 11 ở trường trung học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi thêm về âm nhạc theo như sở thích và đam mê từ nhỏ của anh. Tại đây, anh bắt đầu sinh hoạt ca hát với các anh chị em thuộc cộng đồng Việt Nam. Anh cũng từng xuất hiện trên đài truyền hình KOZK21 ở Springfield.

Một năm sau (1977), Việt Dzũng được đoàn tụ với gia đình ở Wood River, tiểu bang Nebraska. Năm đó anh tốt nghiệp trung học tại trường Wood River. Năm 1978, Việt Dzũng chính thức bước vào lãnh vực âm nhạc khi cùng một người bạn học chung trường tên là Vernon Larsen lập ban song ca để hát theo lối du ca (troubrador) của Mỹ, tên “Firebirds” (Chim Lửa). Đôi song ca này chuyên hát nhạc đồng quê của Hoa Kỳ (American country music). Việt Dzũng sử dụng tây ban cầm và cùng người bạn Mỹ đi trình diễn khắp nơi ở vùng Trung Mỹ, kể cả các club nhạc của dân địa phương. Nhiều người Mỹ đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy một thanh niên Á châu hát nhạc đồng quê rất thành thạo, trôi chảy nên đã dành cho anh thật nhiều thiện cảm.

Cũng năm 1978 này, Việt Dzũng đoạt giải nhất về sáng tác nhạc country music tại cuộc thi Iowa Grand Old Orphy. Thật ngạc nhiên khi anh là người Việt Nam đầu tiên, mà cũng là người Á châu đầu tiên chiếm giải nhất về bộ môn sáng tác country music với bài hát hoàn toàn bằng Anh ngữ. Ngay sau đó, một hãng dĩa về country music đã mời anh cộng tác để thực hiện một Album nhạc đồng quê, nhưng anh đã từ chối vì muốn tiếp tục học ở Đại học theo ý muốn của song thân. Cũng trong năm này, Việt Dzũng bắt đầu sáng tác nhạc Việt với bài hát đầu tiên là “ Sau Ba Năm Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ”, viết về thân phận người dân xa xứ với những đau đớn chia lìa. Bài hát thứ hai là “Một Chút Quà Cho Quê Hương” đã trở thành một ca khúc lẫy lừng nhất của Việt Dzũng, được mọi người yêu thích cho đến tận hôm nay.

Đó là thời gian người Việt tỵ nạn bắt đầu gửi quà về cho thân nhân ở quê nhà, chia sẻ những khổ đau chất ngất, đọa đày dưới chế độ mới như những lời ca sau đây: “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay … Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đày … Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương Gởi về cho mẹ dăm gói trà xanh Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn …. Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình …”

Nhớ lại những ngày đầu tiên làm quen với sinh hoạt văn nghệ của người Việt tha hương, khi Việt Dzũng theo người chú họ về San Antonio, Texas thăm gia đình người bạn nhân dịp tết Nguyên Đán 1979. Tại Hội Chợ Tết nơi đây, anh đã lên sân khấu, ôm đàn guitar trình bày hai ca khúc mà anh vừa sáng tác. Hát xong, nhìn xuống khán giả thì mọi người đã đầm đìa nước mắt và túa ra ôm lấy anh khi anh rời sân khấu.

Việt Dzũng đã chinh phục bà con đồng hương nơi đây kể từ lúc này. Năm sau 1980, Việt Dũng trình diễn tại một đại nhạc hội ở Omaha, Nebraska với Sĩ Phú và Mai Lệ Huyền. Sau đó anh đã hát với Khánh Ly, Hoàng Oanh, Trung Chỉnh ở Denver, Colorado những bài hát do anh sáng tác. Ngay lúc đó, Khánh Ly đã chọn ba bài hát của anh là: “Lời Kinh Đêm, Mời Em Về, Một Chút Quà Cho Quê Hương” đem về California thâu vào băng nhạc “Một Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa” (nhà văn Mai Thảo viết lời giới thiệu). Ba bài hát này đã là những bài hát nằm lòng của hàng triệu người Việt nhiều năm sau đó (kể cả ở trong nước).

Năm 1980, là năm mà số người Việt bỏ nước ra đi cao nhất, Việt Dzũng đã cho ra mắt cuồn băng nhạc đầu tay “Kinh Tỵ Nạn” do Trung Tâm Nhã Nhạc tại Houston, Texas thực hiện. Ngay tuần lễ đầu băng nhạc này đã được đón nhận nhiệt liệt từ California đến tận Canada, số bán sau đó đã lên đến cả trăm ngàn ấn bản. Lúc đó, Việt Dzũng đã quyết định chính thức di chuyển qua California sinh sống và sinh hoạt văn nghệ để có thể phát triển tài năng của anh nhiều hơn. Đầu tiên, anh được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời hát cho đại nhạc hội ở Orange County và tiếp tục lưu diễn khắp nơi.

Anh cũng đã hoàn thành cuồn băng nhạc thứ nhì tên là “Lưu Vong Khúc” vào giai đoạn này. Trước đó, vào năm 1978 anh đã gặp ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh tại Đại Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt tại thủ đô Washington DC và hai người liền kết nghĩa chị em. Cả hai cùng sáng tác chung một đường lối và họ đã kết hợp thành một đôi song ca trình diễn khắp nơi trên thế giới, chỉ trừ các nước cộng sản mà thôi. Tại Mỹ, họ đã lưu diễn hầu hết 50 tiểu bang, kể cả những tiểu bang có rất ít người Việt sinh sống.

Tại Á châu, họ đã hát ở Nhật hơn ba lần, hát cho các phái đoàn ngoại giao, tòa tổng lãnh sự, sứ quán Mỹ ở nhiều nước như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, v.v…Nhưng chuyến lưu diễn ở Âu Châu của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh phải coi là một chuyến lưu diễn lịch sử. Đã có hàng ngàn người Việt từ khắp nơi đón xe lửa đến gần địa điểm trình diễn, cắm trại nằm chờ trước hai ba ngày khai mạc để gặp hai thần tượng của họ. Ở Úc Châu khán giả cũng nhiệt liệt đón chào Việt Dũng và Nguyệt Ánh. Họ đã đi hết những thành phố có người Việt cư trú kể cả những nơi hẻo lánh như Perth và Darwin.

Đã có nhiều bài báo và cả hai cuốn sách xuất bản ở Úc được viết ra để ca tụng cho lý tưởng đấu tranh chống cộng và ước mơ ngày về quang phục quê hương của đôi nghệ sĩ này. Ngay lúc đó, chính quyền Cộng Sản Việt Nam liền lên án Việt Dzũng và Nguyệt Ánh là hai kẻ phản động số một, tuyệt đối cấm phổ biến tất cả các nhạc phẩm của họ trong nước. Trong một phiên tòa sau đó, CSVN đã kết án tử hình khiếm diện hai nghệ sĩ này. Ngày 1 tháng Tư năm 1985, hai nghệ sĩ này đã kết hợp với những ca nhạc sĩ khác để thành lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh chống lại kẻ thù.

Cho đến nay, Phong Trào Hưng Ca Việt Nam vẫn còn hoạt động đều đặn với những tên tuổi khác như Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Xuân Nghĩa, Tuấn Minh, Tuyết Mai, Lưu Xuân Bảo..v.v..Trong suốt thời gian hơn 25 năm này, Việt Dzũng vẫn tiếp tục có những hoạt động đều đặn, liên tục và bền bỉ để tranh đấu cho người tị nạn Việt Nam. Từ những buổi văn nghệ gây quỹ cho các con tàu với người vượt biển như Cape D’Anamur, chương trình SOS Boat People, vận động chống lại chương trình cưỡng bách hồi hương người tị nạn, tranh đấu với quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ, tại Liên Hiệp Quốc…

Có thể nói, bất cứ nơi nào có người tị nạn Việt Nam là có bước chân Việt Dzũng mang tiếng đàn, tiếng hát của anh để binh vực cho họ, sưởi ấm tấm lòng của họ, mang niềm tin yêu và hy vọng cho họ vượt qua những khổ cực, đau buồn và mất mát trên đường vượt biên. Anh đã có mặt hầu hết các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á để thăm viếng, ủy lạo đồng bào, giúp đở trẻ em không thân nhân và hàng ngàn công tác xã hội khác mà không hề biết mệt.

Cũng trong năm 1985 này, Việt Dzũng đã cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ “Children of the Ocean”. Đây cũng là album nhạc đầu tiên của người Việt hải ngoại bằng tiếng Anh. Các tờ báo Orange County Register, Los Angeles Times, Washington Post đều có những bài viết khen ngợi cuốn băng này. Riêng tờ Austin-American- Stateman đã gọi Việt Dzũng là “người nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, và là một tấm gương sáng giá, chứng tỏ là người tỵ nạn có thể hội nhập vào đời sống mới, trong khi vẫn giữ được nguồn gốc của quê hương mình.”

Về truyền thông, Việt Dzũng đã mở ra một cánh cửa khác để cho thấy một tài năng thiên phú và đa dạng ở anh. Sau một thời gian dài làm báo, tháng 7 năm 1993 Việt Dzũng được mời làm xướng ngôn viên chính cho chương trình phát thanh tiếng Việt đầu tiên ở Nam California, phát thanh 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày là đài Little Saigon.

Cũng cần nhắc lại là trước đó các đài phát thanh đều làm chương trình theo kiểu ngày xưa, nghĩa là thâu thanh trước đàng hoàng, kỹ càng từng tiết mục và tới giờ là cho phát thanh lên. Nhưng lần đầu tiên, Việt Dzũng đã tạo ra một phong cách mới: anh đưa ra những chương trình trực tiếp truyện trò cùng thính giả (talk back) trong buổi phát thanh. Nên không khí rất vui nhộn và hào hứng, náo nhiệt vô cùng. Sau này các đài phát thanh ở Mỹ và ngay cả ở bên Việt Nam cũng bắt chước theo lối này.

Kể cả các đài BBC, VOA phát thanh về Á Châu, cũng thay đổi cách làm việc như cho xướng ngôn viên được phép đùa giỡn với thính giả chớ không đọc tin một cách nghiêm trang như ngày xưa. Ngoài việc phổ biến tin tức, âm nhạc, thể thao cuối tuần, giải trí cuối tuần, tin tức Hollywood …VD còn thực hiện chương trình đặc biệt nhất là chương trình “Tâm tình với nghệ sĩ” được rất nhiều thính giả ưa thích. Chương trình này lúc đầu phát từ 11 đến 12 giờ trưa hàng ngày trên làn sóng 967 FM của đài KWIZ. Sau đó mỗi tuần phát hai ngày thứ hai và thứ tư.

Trong vòng hơn hai năm, mà Việt Dzũng đã phỏng vấn trên 350 nghệ sĩ. Từ những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Chế Linh, Lệ thu, Ý Lan, Vũ Khanh …cho đến những ca sĩ mới xuất hiện ở hải ngoại sau này như Mạnh Đình, Dạ Nhật Yến, Thanh Trúc, Phi Nhung … Những nghệ sĩ đến từ các tiểu bang xa cũng được mời phỏng vấn như Hà Thanh, Từ Công Phụng, Trường Kỳ, Châu Hà, Văn Phụng .v.v…Trong tất cả các chương trình phỏng vấn này, nóng bỏng nhất và đặc biệt nhất phải nói là chương trình phỏng vấn nữ ca sĩ Ngọc Lan. Vì từ trước tới nay, Ngọc Lan không nhận lời cho ai phỏng vấn cả (vào thời điểm đó), chỉ có một lần cô trả lời trên đài VOA; và Việt Dzũng là người duy nhất phỏng vấn được Ngọc Lan vào tháng 10 năm 1994.

Bốn năm sau( 1996), Việt Dzũng cùng các bạn đứng ra thành lập một chương trình phát thanh độc lập, đó là đài Radio Bolsa, phát thanh trên ba làn sóng khác nhau ở Nam California, Bắc California và Houston, Texas. Hiện nay (2006), Radio Bolsa đang phát sóng trên 106.3 FM, 1190 AM (Nam California) và 1430 AM (San Jose) với Việt Dzũng và Minh Phương là hai xướng ngôn viên chủ lực cùng với các xướng ngôn viên khác như Khúc Minh, Nguyễn Phú, Uyên Thy, Mai Trang…

Việt Dzũng đã tạo sự gần gũi, thân mật giữa xướng ngôn viên với thính giả từ trẻ đến già, ở nhà cũng như đang lái xe đi làm với những chương trình đa dạng và phong phú hàng ngày. Dĩ nhiên là với kỷ thuật phát thanh digital, mọi người trên khắp thế giới cũng có thể nghe được các chương trình phát thanh này trên mạng thông tin toàn cầu bất cứ lúc nào. ( http://www.radiobolsa.com/ )

Tuy công việc hàng ngày của anh thật bận rộn như vậy, nhưng ngoài thời gian làm việc ở đài phát thanh, Việt Dzũng còn chứng tỏ là anh có khả năng làm báo rất thành công. Kể từ năm 1980, anh đã cộng tác với tờ Người Việt (trang song ngữ Tuổi Trẻ). Sau đó anh về làm Tổng Thư Ký cho tờ Nhân Chứng năm 1982. Tờ Tay Phải (của Du Tử Lê) năm 1983. Về Houston làm Tổng Thư ký cho tờ Việt Nam Thương Mại năm 1988. Trở lại California làm thư ký cho tờ Sài Gòn Nhỏ một thời gian và sau đó cộng tác với tờ tuần báo Diễm từ năm 1990. Năm 1992 trở thành Thơ ký toà soạn cho tờ nguyệt san Hồn Việt cho đến bây giờ.

Việt Dzũng cũng là cộng tác viên của nhiều cơ quan truyền thông khắp nước Mỹ như tờ Phố Nhỏ (Washington DC), Thế Giới Mới (Dallas, PL), Phương Đông (Seattle, WA), Mõ Magazine (San Jose, Sacramento, San Francisco & Oakland), Làng Văn (Canada), Nhân Quyền (Úc), Tin Điển (Đức) .v.v. Hầu như lúc nào Việt Dzũng cũng có những dự tính và dự án trước mặt, nhưng không làm sao có đầy đủ thời giờ để lo cho xuể. Chỉ nói riêng về mặt sáng tác âm nhạc thì cho đến nay Việt Dzũng đã sáng tác hơn 450 bài hát về đủ mọi thể loại. Những bài hát về tỵ nạn đã được phổ biến rộng rãi trong hai tập nhạc “Kinh Tỵ Nạn (1980) và “Lưu Vong Khúc” (1982).

Những bài hát này được viết ra như một thôi thúc về những điều phải nói ra trong những năm lạc lõng của đời lưu vong nơi xứ người. Sau đó là các ca khúc đấu tranh, quang phục quê hương. Nhưng nhiều nhất vẫn là tình ca, sáng tác rất nhiều nhưng chưa phổ biến hết.

Những bản tình ca nổi tiếng của Việt Dzũng có thể kể ra như Bài Tango Cuối Cùng, Thung Lũng Chim Bay, Khóc Ru Đời Trinh Nữ, Bên Đời Hiu Quạnh, Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm, Và Em Hãy Nói Yêu Anh, Tình Như Cây Cà-Rem… Năm 1990, Việt Dzũng thành lập riêng cho mình Trung Tâm Việt Productions, chuyên sản xuất các CD nhạc với tiếng hát của anh và bằng hữu như các CD: Ru Em Sông Núi Đợi Chờ, Thánh Ca Vào Đời, Hùng Ca Quật Khởi, Quê Hương Và Em, Mình Ơi Đưa Em Về Quê Hương, Thắp Lửa Yêu Thương, Lên Đường, Bên Em Đang Có Ta, Tuổi Trẻ Về Nguồn, Hát Cho Tự Do, Thắp Lửa Tự Do, Trái Tim Ở Lại, Anh Vẫn Còn Thương, Vuốt Mặt, Bên Bờ Đại Dương …

Sau hai mươi năm hoạt động không ngừng nghỉ trên mọi lãnh vực và được nổi danh khắp nơi, được hàng triệu người ái mộ (nhứt là giới trẻ ở hải ngoại), nhưng cũng có lúc Việt Dzũng cảm thấy rất cô đơn. Anh đã từng bày tỏ cảm nghĩ của riêng anh trong một lần phỏng vấn năm 1995 với nhà báo Trường Kỳ như sau: “Nhìn vào đời sống nghệ sĩ, ai cũng cũng chỉ thấy những rực rỡ của ánh đèn sân khấu, của những tràng pháo tay và của những rộn rịp âm thanh. Đời sống của nghệ sĩ không phải chỉ có vậy. Còn có những giọt nước mắt âm thầm mỗi đêm, những đắng cay tủi nhục và những cám dỗ chập chùng đi kèm.

Cá nhân Việt Dzũng không bao giờ muốn trở thành ca sĩ. Chỉ muốn làm một nhạc sĩ ghi lại những nỗi suy tư của một đời người, và những rung động mà mình bất chợt tìm thấy. Vì thế, nên khi nghe một ca khúc, khi thưởng thức một nhạc phẩm nào, hãy nghe bằng sự rung động của chính tâm hồn mình. Bạn sẽ thấy người nhạc sĩ đó đang mang trái tim của họ trải rộng cho bạn nhìn, như một tấm tranh vẽ. Có thể bạn sẽ bắt kịp những nét chấm phá trong tranh. Có thể bạn chỉ ơ hờ lướt mắt qua rồi thôi. Nhưng dù gì đi nữa, mỗi ca khúc hay mỗi bức tranh vẫn là một hiện diện trong đời sống. Và hãy cảm ơn sự hiện diện đó, vì nếu không cuộc đời sẽ chỉ là những vô nghĩa kéo dài. (Việt Dzũng trong “Tuyển Tập Nghệ Sĩ”, 1995) Thực ra, nỗi cô đơn ấy cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Những dự án, kế hoạch vẫn được anh theo đuổi càng lúc càng nhiều, choáng ngộp.

Việt Dzũng tâm sự là anh mong cho một ngày dài thêm 48 tiếng đồng hồ, thay vì chỉ có 24 giờ để anh có thể hoàn thành bao nhiêu công việc đang vây bủa lấy anh. Ngày tháng vẫn trôi nhanh, trôi nhanh. Những hoạt động của anh gần đây thì nhiều vô số kể. Chỉ nói riêng về sinh hoạt với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam thôi, thì những lần công tác nổi bật nhất là: Phát động chiến dịch “Tưởng Niệm 50 năm Hiệp Định Genève (1954-2004)”, biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 3-4-2004 Đại nhạc hội Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Katrina tổ chức ở Houston (17.9.2005), sau chương trình “Chén Gạo Tình Thương” do Phong Trào Hưng ca phát động từ ngày 9.9.2005.

Đại nhạc hội “Đêm Tình Thương” phối hợp với cộng đồng người Việt ở Dallas Fortworth va Trung Tâm ca nhạc Asia (tháng 9-2005) Chương trình văn Nghệ gầy quỹ cứu trợ nạn nhân cơn bão Katrina tổ chức ở Wichita. Những chương trình Đại Nhạc Hội gây quỹ giúp Thương Phế Binh VNCH ở khắp nơi …. Trong những chương trình gây quỹ từ thiện và văn nghệ đấu tranh đó, Việt Dzũng đã đến với đồng hương bằng cung cách rất bình dị thân thương. Luôn luôn có những bạn trẻ vây quanh, tíu tít thăm hỏi, chụp hình chung với anh. Có những bà mẹ già vẫy tay gọi anh lại gần chỉ để được nắm tay anh, nói vài ba câu thăm hỏi với niềm rưng rưng cảm xúc.

Nhưng tài năng đặc biệt nhất và nổi bật của anh là kể từ năm 1996 khi anh cộng tác với Trung Tâm Ca Nhạc Asia để làm MC hướng dẫn các chương trình video và đại nhạc hội trực tiếp thu hình. Anh cũng cộng tác với đài truyền hình SBTN trong việc soạn và đọc tin tức hàng ngày, cùng nhiều tiết mục khác cho chương trình phát hình liên tục 24 giờ mỗi ngày. Trước đó anh cũng đã từng nhiều lần làm MC cho các buổi đại nhạc hội, các buổi biểu tình, những lần gây quỹ từ thiện …

Riêng ở các chương trình của Trung Tâm Asia thì anh đã hợp tác viết thuyết minh và giới thiệu cho các chủ đề, các tài năng mới trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Vì từ lâu nay Trung Tâm Asia là một trong hai trung tâm hàng đầu về ca nhạc ở hải ngoại được tiếng là luôn luôn có nhiều sáng kiến mới lạ và nâng đở cho những tài năng trẻ tuổi trong lãnh vực ca hát. Rất nhiều chương trình Video của Asia có các chủ đề đầy tình người, không nhằm mục đích thương mại, nhưng rất thành công như “Người Lính”, “Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến”, “Tình Ca Anh Bằng”. Vài năm gần đây lại có những chương trình Asia video thật giá trị như “Âm Nhạc Vòng Quanh Thế Giới” (phát hành 27/2/2004), “Tiếng Hát Trái Tim” (thu hình 20/3/2004), “Mùa Hè Rực Rỡ 2005″ (thu hình 22/7/2005).

Nhưng đặc biệt nhất là video “Hành Trình Tìm Tự Do”( phát hành 24/6/2005), khán giả đã thực sự xúc động khi thấy Việt Dzũng trở lại các đảo tị nạn ở Đông Nam Á để làm phóng sự video, gợi nhớ cảnh vượt biển của những thuyền nhân tỵ nạn liều chết ra đi tìm tự do ngày xưa. Cũng chính những chương trình video này, khi được chuyển về Việt Nam cùng với các DVD khác như “Cuộc Đổi Đời Bi Thảm, Triệu Đóa Hồng Cho Người Phụ Nữ VN, Cuộc Khổ Nạn của Người VN (Dạ Lan), và gần đây là Asia 50 “Vinh Danh Nhật Trường” và Asia 51 “Nhạc Vàng, Tình Khúc Sau Cuộc Chiến” … đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam vô cùng tức tối, khi nhìn thấy Việt Dzũng vẫn tiếp tục xuất hiện trong vai trò làm MC.

Nên vào ngày 18/9/2006 tờ báo Công An Thành Phố HCM đã bắt đầu đăng hai bài viết với đủ thứ ngôn từ hạ cấp nhằm mạ lỵ, phỉ báng và bôi nhọ cá nhân Việt Dzũng thật nặng nề. Có thể nói lần này là lần anh bị những người Cộng Sản VN “đánh” nặng nhứt từ trước đến nay. Nhưng cũng chính những bài báo này đã khiến cho mọi người càng thấy rõ bộ mặt nham hiểm, quỷ quyệt của Cộng Sản VN như thế nào và cũng làm cho nhều người thông cảm, yêu mến và chia sẻ nhưng oan khiên, thống khổ của người nghệ sĩ này nhiều hơn.

Với tất cả những mũi tên tẩm thuốc độc bắn thẳng vào anh, Việt Dzũng chỉ im lìm, không lên tiếng biện minh hay viết bài đính chính. Anh vẫn âm thầm tiếp tục thực hiện những dự án và càng hăng say hoạt động, cống hiến tài năng của mình cho đồng hương như anh đã làm suốt hơn ba mươi năm nay. Lúc nào cũng vậy, anh vẫn luôn luôn là một đứa con cưng của tổ quốc và quê hương Việt Nam. Anh vẫn tiếp tục con đường tranh đấu cho nhân quyền và quang phục quê hương trong niềm tin rằng chế độ Cộng sản sẽ cáo chung trong một tương lai rất gần.

Duy-Khiêm Vũ Xuân Tráng

14 tháng 12, 2013

Khấn Ước Năm Tàn

Khấn Ước Năm Tàn

Giá rét hừng đông phủ ngập trời
Đi làm cuốc bộ thở ra hơi
Khăn choàng ấm cổ không lơi tháo
Mũ vít êm tai chẳng dám rời
Thấy nắng vàng nhô cười hể hả
Nom mưa xám giọt thán à ơi
Giao mùa khấn ước đừng lâm bệnh
Có sức xông pha gánh vác đời

Việt Đường
(13/12/2013)

12 tháng 12, 2013

Mãnh Lực Của Đồng Tiền

Mãnh Lực Của Đồng Tiền

Nào mang hạnh phúc đến muôn đời
Nhưng giúp mưu cầu sống thảnh thơi
Áo mặc cơm ăn : phần chẳng thiếu
Nhà lo thuốc chạy : khoản không rời
Khi dùng đút lót hay trang trải
Lúc mượn tiêu xài hoặc nghỉ ngơi
Là thứ ngày nay hầu có đặng
Nghèo sang khối kẻ bán luôn trời !

Việt Đường
(12/12/2013)

30 tháng 11, 2013

Buồn Tàn Thu

Buồn Tàn Thu

Cây trơ trốc lá khẳng khiu nằm
Dưới phố hoang mờ tiết lạnh căm
Óng ả sương rơi dày ngõ ngách
Vi vu gió thổi trĩu tơ tằm
Thu gần hết nhỉ gieo buồn bã
Đông sắp về rồi phủ tối tăm
Dạo bước đìu hiu trên lối nhỏ
Nghe muôn cảm xúc ruột gan dằm

Việt Đường
(30/11/2013)

Vật Bất Ly Thân

Vật Bất Ly Thân

Muôn màu đủ loại hái nhiêu khê
Thiếu vắng gây bao cảnh não nề
Gái khóc buồn xo nhai uể oải
Trai cười méo xệch bước lê thê
Chìa ra lắm trự nhào ve vãn
Thẩy xuống nhiều o xáp cận kề
Vật bất ly thân miền thế tục
Mười người hết chín đã si mê

Việt Đường
(30/11/2013)

28 tháng 11, 2013

Chiều Về Trên Quê Hương

Chiều Về Trên Quê Hương

Một chiều về lại quê hương
Lãng du trên khắp nẻo đường thân quen
Dấu xưa ta sẽ đi tìm
Cho tình thỏa nhớ ngủ im muôn ngày

Một chiều ta sẽ về đây
Ôm hôn đất mẹ dạn dày nắng mưa
Để nghe vọng những âm thừa
Đã từ lâu lắm hồn chưa say hồn

Một chiều về lại cô thôn
Sau nhiều dâu bể sinh tồn trải qua
Soi gương tóc bạc tuổi già
Soi tâm nhật nguyệt vẫn ta thuở nào

Việt Đường
(28/11/2013)

26 tháng 11, 2013

Chúc Mừng Sinh Nhật Nguyễn Kim Oanh

Chúc Oanh sinh nhật vui tươi
Rộn vang câu nói, tiếng cười
Ấm êm, dạt dào hạnh phúc
Chan hòa vẹn đủ mười mươi

Chúc Oanh được nhiều sức khỏe
Việc làm thăng tiến, vững bền
Đời như nhánh sông lặng lẽ
Bềnh bồng nhịp chảy bình yên !

Việt Đường
(26/11/2013)

24 tháng 11, 2013

Lan Man Năm Tuổi

Lan Man Năm Tuổi 
(Liên Hoàn Thuận Nghịch Vận Đường Luật)

Lật Tử Vi xem dạ rối vò
Sách rằng mọi chuyện phải cân đo
Mua nhà đổi sở chi li tính
Nhượng đất buôn xe cẩn thận dò
Hãy chọn ngày lành vung bút ký
Nên chờ tháng tốt chạy tiền lo
Thì tài sức mới không hao hụt
Ổn thỏa làm ăn tối ngủ khò

Ổn thỏa làm ăn tối ngủ khò
Vậy mà mình sắp vướng trăm lo
Đường xa mờ mịt lần phương đến
Nẻo lạ chông chênh cất bước dò
Bởi mệnh phần xui khôn cải biến
Do thời vận thúc khó lường đo
Đành thôi may rủi thiên cơ định
Nghĩ lắm càng như mớ chỉ vò

Việt Đường
(24/11/2013)

13 tháng 11, 2013

Bước Ngoặt Cuộc Đời : Tự Nhủ Lòng

Bước Ngoặt Cuộc Đời : Tự Nhủ Lòng

Cuộc đời sắp tới lật sang trang
Với những ưu tư lẫn bộn bàng
Sở mới đường xa chăm vật lộn
Giờ nhiều việc gấp ráng cưu mang
Làm cho kỹ lưỡng đừng gian giảo
Tính thật chi li chớ vội vàng
Hẳn được lòng tin người phó thác
Mai này sự nghiệp giúp leo thang

Việt Đường
(13/11/2013)

11 tháng 11, 2013

Gọi Nắng Hồng Hoang

Gọi Nắng Hồng Hoang

Nắng hãy mênh mang trải phố phường
Cho người lữ khách chốn tha hương
Quên đi giá lạnh trời thu xám
Sống lại yên vui cảnh hạ hường
Khản tiếng chim gù sân bỡn cợt
Thơm cành lá vẫy gió yêu thương
Về đây thắp rực niềm tin nhé
Mỗi phút gian lao chắn nẻo đường

Việt Đường
(11/11/2013)

9 tháng 11, 2013

Hoài Cảm Đêm Mưa

Hoài Cảm Đêm Mưa

Rả rích mưa sa những giọt sầu
Mưa vần từ sáng đến canh thâu
Mưa gieo buốt giá và u uẩn
Phủ xám đồng quê một sắc màu

Thu đã về rồi khắp viễn phương
Đàn chim vào hạ trú bên đường
Nay dường bỏ tổ tìm nơi khác
Để lại cây cành ướt đẫm sương

Lữ khách đêm mưa bỗng nhớ nhà
Nghe hồn dao động vạn âm ba
Hồ muôn bão lũ đang ào tới
Nuốt chửng miền Trung giữa hải hà

Lất phất mưa buồn vẫn rụng rơi
Như ai oán khóc cuối lưng trời
Như thầm chia sẻ bao cay đắng
Đất Mẹ nhạt nhòa khuất dặm khơi

Việt Đường
(09/11/2013 - Mùa bão Haiyan)

8 tháng 11, 2013

Bão Haiyan : Lời Cầu An

Bão Haiyan : Lời Cầu An

Mở báo xem tin thoáng hãi hùng
Loan rằng bão sắp giạt miền Trung
Phú Yên, Quảng Ngãi... hăm càn quét
Đà Nẵng, Thừa Thiên... dọa vẫy vùng
Chúc họ hàng qua vòng bất trắc
Mong bè bạn thoát cảnh tà hung
Bình an vô sự già như trẻ
Trước mọi thiên tai giáng điệp trùng

Việt Đường
(08/11/2013)

7 tháng 11, 2013

Như Cánh Bèo Trôi

Như Cánh Bèo Trôi

Một hôm...
ngó lại cuộc đời
Thấy mình như cánh bèo trôi
... giữa dòng

Về đâu...
cuối nẻo mênh mông ?
Sao chưa dừng bước
... cứ mòng mòng xoay !

Việt Đường
(07/11/2013)

5 tháng 11, 2013

Thiền Môn Quy Nẻo

Thiền Môn Quy Nẻo
(tặng bạn Hồng Kiệt)

Giã chốn trần ai náu cửa chùa
Thôi màng cuộc sống bước ganh đua
Nhân duyên phức tạp hành bao nỗi
Địa vị gian truân xót mấy mùa
Tháng đọc Tâm Kinh sàn gỗ vái
Ngày rèn Phật Pháp mõ đồng khua
Nghe thầy thuyết giảng vơi tà niệm
Sớm núi chiều mây nhẹ nhõm đùa

Việt Đường
(05/11/2013)

31 tháng 10, 2013

Cơm & Phở

Cơm nhà phở quán khác nhau xa
Luận tếu cho dzui chớ mắng tà
Cơm xực nào ưa chê miết nhỉ
Phở dùng chẳng ngán muốn hoài a
Dòm cơm nguội ngắt khô ran thiệt
Liếc phở thơm tho nóng hổi à
Nếu được khi cơm và lúc phở
Đâu còn gì sánh phải không ta ?!

Việt Đường
(31/10/2013)

26 tháng 10, 2013

Dự Tính Cuối Tuần

Dự Tính Cuối Tuần

Cuối tuần dự tính kéo đi bơi
Hy vọng trời thương khiến ấm trời
Trẻ thích ngâm hồ xăng xái quậy
Già ghiền vọc nước nhẹ nhàng chơi
Đu dây trượt ống thi nhừ cẳng
Lội sóng khoa tay giỡn đã đời
Tận hưởng niềm vui phen hội ngộ
Nhân mùa nghỉ lễ đến muôn nơi

Việt Đường
(26/10/2013)

19 tháng 10, 2013

Phận Lá, Kiếp Người

Phận Lá, Kiếp Người

Thu về xác lá rụng đầy hiên
Từng đợt lao xao trải nắng hiền
Thấm nỗi hoài nhân đau vĩnh cửu
Mang tình ái quốc nặng triền miên
Trăm ngày chống đỡ gìn hy vọng
Một phút ra đi trả muộn phiền
Sinh tử luân hồi xoay chuyển mãi
Như người cõi thế dưới hoàng thiên

Việt Đường
(19/10/2013)

18 tháng 10, 2013

Suy Tư

Suy Tư

Sương mù trắng xóa trải muôn nơi
Dạo bước thênh thang giữa đất trời
Thấy vạn băn khoăn dìm mệt mỏi
Nghe ngàn hỗn độn quấn chơi vơi
Chông gai thế tiến chân còn dọ
Hóc búa cờ xoay óc chẳng rời
Dẫu biết gian nan rèn chí cả
Sao lòng sóng gió chửa hề ngơi ?

Việt Đường
(18/10/2013)

17 tháng 10, 2013

Tiếc Thương Bạn

Nhang hồng vắng phút tiễn đưa
Dăm hàng tưởng nhớ mong thừa điếu ai

Tiếc Thương Bạn
(gửi hương hồn bạn Hiếu Thuận)

Hay tin bạn khuất mới năm rồi
Thấy sắt se lòng mặn đắng môi
Lối cũ nghiêng chao màu khắc khoải
Trang xưa thoáng dậy tiếng bồi hồi
Ôn giờ học vấn thường chen cặp
Nhớ phút chơi đùa mãi sánh đôi
Lạc dấu ngày qua chưa gặp lại
Mà nay mộ chí đã xanh bồi !

Việt Đường
(17/10/2013)

28 tháng 9, 2013

Cõi Trần Phù Du

Cõi Trần Phù Du
(được tin anh Chính mất tại VN)

Cuộc đời ngẫm thật phù du
Sinh ly tử biệt cứ mù mịt xoay
Những ai sống thế gian này
Chưa lần ngậm đắng nuốt cay tiễn người ?!

Việt Đường
(28/09/2013)

21 tháng 9, 2013

Tháng Chín Lan Man Dòng Tâm Sự


Tháng Chín Lan Man Dòng Tâm Sự
(Liên Hoàn Thuận Nghịch Vận Tứ Khúc Đường Luật)

Khai giảng đầu năm lại trở về
Khơi lòng sống dậy thuở đam mê
Quần xanh vác cặp đùa hoan hỉ
Áo trắng choàng vai bước cận kề
Dưới nắng vàng hanh chiều phố thị
Trên đường đỏ rực bóng sơn khê
Tung tăng chạy giỡn như chim sáo
Nào hiểu trần gian lắm bộn bề

Nào hiểu trần gian lắm bộn bề
Hồn là suối ngọt với trăng khê
Chưa màng bổng lộc công danh hái
Chẳng sợ binh đao súng đạn kề
Học rất siêng năng và phấn khởi
Chơi đầy táo bạo lẫn si mê
Ngờ đâu vận nước dòng xô đẩy
Tận nẻo trùng dương khuất ngõ về

Tận nẻo trùng dương khuất ngõ về
Để rồi từ đấy trĩu u mê
Yêu miền cố xứ thân thương dạo
Tưởng bạn đồng niên ấm áp kề
Tháng đếm mưa ngâu vờn diệp thảo
Ngày nhìn gió bấc thổi lam khê
Chơ vơ đất khách nhiều xa lạ
Buốt lạnh vào đông trải tứ bề

Buốt lạnh vào đông trải tứ bề
Chôn dần tĩnh vật giữa sương khê
Thèm tràng pháo nổ tay cha đốt
Ước chậu đào vươn dáng mẹ kề
Xóm chợ du xuân cười thích thú
Đường làng rảo Tết ngắm say mê
Hồi hương một chuyến khuây sầu muộn
Rộn rã hôm nao kịp lối về...

Việt Đường
(21/09/2013)

Lời tâm tình : Trong lần thứ 2 được mời làm giáo khảo chấm thơ cùng anh Ái Hoa trên ĐVTC, qua các trao đổi riêng tư mới được biết là khi duyệt thơ Đường Luật, ngoài các lỗi bệnh cần xem xét như : tiểu vận, đại vận, phong yêu, hạc tất, bình đầu, thượng vỹ, bàng nữu, chánh nữu, hiệp chưởng, điệp ý, khổ độc..., khi gặp loại thơ Liên Hoàn Đường Luật như trên đây, người chấm phải xét thêm lỗi điệp từ trong thi phẩm. Nói một cách khác, trong bài thơ Liên Hoàn Đường Luật, ngoại trừ câu thứ 8 là được lập lại nguyên vẹn, những từ dùng lại rải rác trong toàn bài sẽ bị liệt vào lỗi "điệp từ" và sẽ bị trừ điểm như thường. Đây là 1 điều hoàn toàn mới mẻ mà tác giả học được và cũng đã thử áp dụng vào bài thơ trên, như là 1 thách đố cho riêng mình vậy.

14 tháng 9, 2013

Khắc Phục Lỗi Chính Tả

Khắc Phục Lỗi Chính Tả
(Ngũ Độ Thanh)

Khối kẻ so tài Ngũ Độ Thanh
Buồn thay chính tả học chưa rành
Ngã đem khoắng trật còn khoe giỏi
Hỏi xách quăng bừa lại giễu lanh
Vạch lỗi cười chê lòng chẳng muốn
Khều câu đá mỉa dạ không đành
Nên bèn mượn ít dòng thơ ngỏ
Sửa chữa mong người khắc phục nhanh

Việt Đường
(14/09/2013)

13 tháng 9, 2013

Thời Thế Khó Khăn

Thời Thế Khó Khăn

Có hoặc là không chút mảnh bằng
Đều tìm hãng xưởng quá trời găng
Dò tin đọc báo càng đeo mãi
Bác việc xua tay cứ diễn nhằng
Vật giá thì cao lương lại giảm
Ngành nghề đã yếu thuế còn tăng
Bình tâm kiếm sống xem nào dễ
Ở buổi muôn nơi nhọc khó đằng

Việt Đường
(13/09/2013)

12 tháng 9, 2013

Facebook

Facebook
(Liên Hoàn Thuận Nghịch Vận Đường Luật)

Facebook chu du mới thấy là
Ngàn trùng khoảng cách có bao xa
Bên vừa phóng bút vài giây nhỉ
Phía đã xem tin ít khắc hà
Nối kết đùa vui hay tán tỉnh
Trình bày viết nhảm hoặc lân la
Ôi thôi đủ cả trăm hình thức
Muốn phủi tay đi ngẫm khó à

Muốn phủi tay đi ngẫm khó à
Y người lạc bước cõi thiên la
Lui thì vướng phải muôn sơn cốc
Tiến lại sa vô ức hải hà
Bạn hữu yêu thương nào để thoát
Gia đình quý trọng há cho xa
Còn ì góc mãi nguy khôn kể
Mất việc như chơi chớ dại là !

Việt Đường
(12/09/2013)

6 tháng 9, 2013

Xin Lỗi Em

Xin Lỗi Em

Chắc tại anh xa khiến nhỏ buồn
Nên bồ chữ nghĩa trốn đi luôn
Vùi chua chát giữa vườn hoa xới
Giấu đắng cay trong mảnh áo luồn
Biết thả nhiêu bài tim hết giận
Hỏi cù mấy phút lệ ngừng tuôn ?
Nì cưng nhận nhé lời xin lỗi
Chớ để người dưng hoảng vía chuồn

Việt Đường
(06/09/2013)

Lại Giả Vờ

Hôm kia nhận thấy mắt em buồn
Chẳng tiếng dỗ dành bỏ chạy luôn
Để lạnh vườn yêu mùa bão rớt
Cho hoang lối nhớ trận mưa luồn
Cạn thơ nào dứt dòng đau chảy
Tắt giọng vẫn còn nỗi khổ tuôn
Ghét quá đi thôi người giả bộ
Lỗi xin... dáo dác kiếm phương chuồn!

Yên Hà

3 tháng 9, 2013

François Trần, Chàng Thợ Sửa Nhà Tài Ba


Đề thơ gởi tặng Đức Hằng
Mà quên anh T., ngó răng được hè 
Nên chừ đáp lễ tiếp nhe
Mua vui cùng với bạn bè năm châu

François Trần, Chàng Thợ Sửa Nhà Tài Ba
(biếm thi)

Ngó ốm nhưng cày khỏe lắm nha
Khi giao sửa cổng với sơn nhà
Trèo thang bắt ốc nhanh hơn thợ (1)
Vịn mái đu người nhẹ giống ma (2)
Bát nước cầm hơi thừa đáp lễ
Tô cơm nhét bụng đủ làm quà
Ai mà được ảnh ra tay giúp
Chỉ biết ngồi ngoài huýt gió ca

Việt Đường
(02/09/2013)

(1) sửa cổng ra xe
(1) sơn nóc véranda

1 tháng 9, 2013

Modèle Couture : Mại Dzô, Mại Dzô


Thay lời cảm tạ tấm lòng (*)
Dăm hàng viết tặng cầu mong phát tài

Modèle Couture : Mại Dzô, Mại Dzô
(Tặng TD & FH)

Sửa áo lên lai với ủi đồ
Ai tìm thợ giỏi kính mời vô
Hàng giao kỹ lưỡng thề không ẩu
Việc lãnh siêng năng quyết chẳng nồ
Đã rẻ còn nhanh nghen chú bác
Thêm bền lại đẹp nhé dì cô
Ngoại ô tiếng tốt lừng vang cõi
Khách ghé ra đi khó nén ồ !

Việt Đường
(01/09/2013)

(*) sửa 2 cái áo không lấy tiền

31 tháng 8, 2013

Hạ Tàn

Hạ Tàn

Cuối hạ khung trời xám xịt giăng
Dường như thổn thức báo tin rằng
Thu vàng sắp đến gieo hờn tủi
Đông lạnh rồi về phủ giá băng
Nắng rẽ đồng quê nhòa nhạt bước
Mưa chao phố thị tối tăm đằng
Ve sầu rộn rã giờ im tiếng
Để khách nghe đời hụt hẫng tăng

Việt Đường
(31/08/2013)

24 tháng 8, 2013

Quả Bí Ngòi

Quả Bí Ngòi

Một quả bành ky ngó điếng hồn
Gia đình bạn hữu biết gì hôn?
Ngoài xanh láng lẫy tay sờ nhẹ
Giữa trắng thơm tho mũi hít dồn
Gọt nấu tôm khô nhìn đã chịu
Khoanh nhồi thịt nạc ngửi càng tôn
Chiều qua lối xóm thương đem tặng
Cám cảnh thơ ra lại khuấy ồn

Việt Đường
(24/08/2013)

23 tháng 8, 2013

Giật Đồ Cúng Cô Hồn Vịnh Cảnh

Xem hình tức cảnh đề thơ
Ôn thời niên thiếu dại khờ mà vui

Giật Đồ Cúng Cô Hồn Vịnh Cảnh

Xúm xít bên mâm buổi cúng dường
Chờ vừa dứt lễ vái xong hương
Thằng lao cuỗm vội ngô khoai sắn
Đứa áp quơ nhanh kẹo mía đường
La liệt hoa rơi tiền gạo đổ
Bầy hầy cháo vãi muối tro vương
Ngày rằm tháng Bảy là cơ hội
Cướp nhí xông pha giữa đấu trường

Việt Đường
(23/08/2013)

21 tháng 8, 2013

Ta Về Nối Lại Đường Tơ

Anh về dỗ giấc bình yên 

Anh về trong nắng hạ
Bước qua đồng cỏ non
Em nghe đôi chim lạ
Kể chuyện tình con con

Mây trên trời màu trắng
Mắt em nhìn long lanh
Nỗi buồn xưa đi vắng
Biết bên đời có anh

Vào mùa xanh lá biếc
Anh như già dặn hơn
Em một đời không tiếc
Trót gởi ngàn môi hôn

Gió nhẹ nhàng tưới mát
Hồn cỏ từng sợi rung
Trên đỉnh đồi hoa hát
Yêu thương đến tột cùng

Anh về trăng nghiêng thấp
Buông lụa mỏng vàng tơ
Dệt chăn khuya em đắp
Giấc yên bình đầy mơ

Yên Hà

Ta Về Nối Lại Đường Tơ

Ta đi từ giữa hạ
Vượt sông hồ núi non
Băng rừng sâu đất lạ
Tìm về mái nhà con

Em trong tà áo trắng
Nép ráng chiều long lanh
Qua bao ngày xa vắng
Chưa mờ nét tinh anh

Vẫn lòng son mắt biếc
Dẫu dáng người gầy hơn
Đượm chút gì nuối tiếc
Trong ngọt ngào mưa hôn

Ta nghe đời chợt mát
Sóng tình dào dạt rung
Nhịp hồn say khẽ hát
Những lời yêu khôn cùng

Về đây trên lũng thấp
Thấy trăm ngàn sợi tơ
Từng giờ êm ái đắp
Dắt ta vào cõi mơ

Việt Đường
(21/08/2013)

19 tháng 8, 2013

Soi Gương Tự Nhủ

Soi Gương Tự Nhủ

Mái tóc xanh xưa với tháng ngày
Dần dà điểm bạc ngó chiều nay
Mang tai rậm rịt bao đường quét
Đỉnh trán lưa thưa mấy sợi bày
Nhắc tuổi ngũ tuần đang ập đến
Răn hồi bá bệnh sắp về thay
Siêng năng luyện tập dè ăn uống
Hẳn được bình yên nửa kiếp này

Việt Đường
(19/08/2013)

9 tháng 8, 2013

Phản Ứng Người Đời

Phản Ứng Người Đời
(phóng tác, dựa theo ý của 1 độc giả nhắn nhủ) 

Người đời vốn thích được khen hay
Góp ý không suông dễ nhíu mày
Nổi máu cộc cằn ganh ghét vội
Sanh lòng bướng bỉnh hận thù ngay
Nên đừng bộc trực đưa phê phán
Hoặc chớ an nhiên trút giải bày
Nín lặng âu là phương thức tránh
Phiền hà đối đáp nhọc lời vay

Việt Đường
(09/08/2013)

Ôn Tồn Góp Ý Có Sao Đâu
(tự họa đáp)

Biết ngợi khen người họa đáp hay
Thì khi thấy kém cũng chau mày
Vài nơi khó hiểu trình thưa tí
Ít điểm chưa tường vấn hỏi ngay
Phía lấy ôn tồn nghiên bút ngỏ
Đàng đem nhã nhặn ruột gan bày
Làm sao có thể gieo hờn oán
Đến nỗi câu chì tiếng bấc vay ?

Việt Đường
(12/08/2013)


Đừng Bao Giờ Chê Thơ Nhỏ Viết

Nhỏ viết bài thì ráng bảo hay
Coi xong nghẹn họng cấm nhăn mày
Tả chùa thành miếu câu luôn chuẩn
Nói biển nên hồ ý rất ngay
Thấy luật lãng phèo đừng khoái hỏi
Trông niêm trớt quớt chớ ham bày
Nếu không chút xíu là sanh chuyện
Món nợ "thơ Đường" phải trả vay!

Yên Hà

6 tháng 8, 2013

Hạnh Phúc

Hạnh Phúc

"Hạnh phúc là gì ?" bạn hữu ơi
Phải chăng an phận sống yêu đời
Không màng khổ sở gieo rời rã
Chẳng bận ưu phiền chuốc tả tơi
Khóc đấy rồi cười suy ngẫm việc
Thua kia lại thắng khắc ghi lời
Tham sân vứt bỏ thì tâm trí (*)
Ắt được trong lành được thảnh thơi

Việt Đường
(06/08/2013)

(*) Mượn ý từ bài "Thưa Thầy, Hạnh phúc là gì?"


HẠNH PHÚC

Tùy vào định nghĩa hỡi người ơi
Hạnh phúc ra sao ở cõi đời
Xe ngựa tưng bừng, tung gió lộng
Cháo rau thoải mái, bó quần tơi
Đua chen hơn thiệt là mua dại
Tranh cãi ăn thua chỉ phí lời
Vui với những gì ta có được
Lập trường giữ vững sống nhàn thơi

Tiểu Lý Phi Đao

5 tháng 8, 2013

Ngao Du Hòa Lan Cảm Vịnh


Ngao Du Hòa Lan Cảm Vịnh

Xứ sở Hòa Lan đẹp hữu tình
Êm đềm pha lẫn cảnh phồn vinh
Người xe dắt cặp in đường nét
Phố biển song đôi lượn dáng hình
Rực rỡ hoa cười tha thiết đón
Nồng nàn gió quyện lẳng lơ nghinh
Ba ngày khám phá say sưa dạo
Khắc mượt trong tim dấu lộ trình

Lộ trình vạch sẵn mỗi nơi đi
Nối bước chân anh chị bác dì
Viếng xưởng sabot (1) dào dạt lúc
Thăm hàng kaas (2) miệt mài khi
Khuya hăm hở ghé khu đèn đỏ (3)
Sáng luyến lưu xem bến nước kỳ (4)
Cảm giác ra về khoan khoái lạ
Như người vừa trải chuyện mê ly

Việt Đường
(05/08/2013)

(1) guốc mộc, tiếng Pháp
(2) phô-mai, tiếng Hòa Lan
(3) De Wallen/Amsterdam Red Light District
(4) Fort de Roovere

4 tháng 8, 2013

Hạ Cảm Tháng Tám

Hạ Cảm Tháng Tám

Trưa hè mát mẻ dạo ngoài sân
Hưởng thú điền viên cũng tuyệt trần
Ngất ngưởng tàn che xao xuyến dạ
Rì rào gió thổi vỗ về thân
Nghe từng khó nhọc vờn bay miết
Thấy mỗi sầu lo gỡ tháo dần
Chạnh ước dòng đời năm tháng chảy
Êm đềm khắp nẻo tựa phù vân

Việt Đường
(04/08/2013)


DẠ HƯƠNG

Vài chiếc lá vàng rụng trước sân
Thiên nhiên hòa nhịp tấu dương trần
Hàng cây quấn quít niềm giao cảm
Trời đất quay cuồng mối kết thân
Nhạc khúc ru hồn vang vọng tới
Dư âm vờn tiếng lắng xa dần
Mây trôi bảng lảng, trăng đầy ánh
Thưởng ngoạn Trung Thu bát nguyệt vân

Tiểu Lý Phi Đao

Mưa tháng Tám

Mưa bụi hững hờ ghé trước sân
Mờ sương khói tỏa nhạt khung trần
Cành nghiêng ve tủi ngây màu mắt
Hoa ngủ bướm hờn dại sắc thân
Bỗng Hạ trở mình rưng rức mãi
Dường Thu vén tóc tỉ tê dần
Chờ người cánh gió tay đan lụa
Khoác áo chung tình lướt nẻo vân

Yên Hà

18 tháng 7, 2013

Ngóng Bước Đăng Trình

Ngóng Bước Đăng Trình 2013

Mai này chuẩn bị viếng Hòa Lan
Khấp khởi chờ phen hưởng phúc nhàn
Dạo gót vườn quê khi nắng đổ
Hòa mình phố biển lúc chiều tan
Say sưa tán gẫu bên hàng nước
Nhộn nhịp hò vui giữa tiếng đàn
Bỏ lại sau lưng từng rối rắm
Song hành bạn hữu khắp quan san

Việt Đường
(18/07/2013)


ĐỊA ĐÀNG

Suối mát êm đềm tỏa Ngọc Lan
Trà thơm khẽ nhắp hưởng thanh nhàn
Niềm đau đớn dịu hương hoa ngát
Nỗi khó khăn chìm sóng nước tan
Giọng hát say sưa tình nghệ sĩ
Lời ca réo rắt nhịp cung đàn 
Hoành oanh hứng cảnh, tung tăng múa
Mờ phía chân mây bóng thạch san

Tiểu Lý Phi Đao

15 tháng 7, 2013

Trăng Gió Tương Phùng

Trăng Gió Tương Phùng

Những biết em còn ngóng đợi anh
Như trăng khuyết bóng rọi bên mành
Miên man phố nhỏ đìu hiu đứng
Lặng lẽ đêm dài áo não canh
Một khối tình chung luôn ước thệ
Trăm năm nghĩa vẹn vẫn mơ dành
Nghe hồn bất chợt lao xao hóa
Ngọn gió tương phùng dệt ý thanh

Việt Đường
(15/07/2013)


CHỜ ĐỢI

Bao ngày hiu quạnh vắng xa anh
Em có ôm song tựa cửa mành?
Rạo rực sầu loang buông xõa tóc
Bâng khuâng đêm trắng thức tàn canh
Mộng đành ấp ủ, mơ giăng kín
Thương ráng cưu mang, nhớ để dành
Tỏa ngát hồ xanh làn sóng gợn
Liễu mềm rũ bóng dưới trăng thanh

Tiểu Lý Phi Đao

Người về qua phố Đặc Trưng
Viết bài thơ nhỏ để mừng coi sao!

Mây Gió Đợi Chờ

Bao ngày mòn mỏi đợi tin anh
Nguyệt ghé ngoài hiên dội cửa mành
Não nuột sầu tuôn chiều hết buổi
Ngậm ngùi lệ chảy tối vào canh
Gối chăn trống vắng lời an ủi
Tường vách đìu hiu tiếng dỗ dành
Dõi bóng thuyền xa về bến cũ
Xạc xào lá rụng giữa trời thanh

Yên Hà

10 tháng 7, 2013

Suy Ngẫm (2)


Bất Ổn

Nếu ta thiếu vắng đồng lòng
Với đường ta bước thời không ổn rồi

Việt Đường
(03/07/2013)


Hẹp Hòi & Độ Lượng

Nhốt người trong cũi hẹp hòi
Hoặc đem thả lỏng giữa trời bao la
Ấy đều tùy thuộc vào ta
Khép hay rộng mở vị tha góc nhìn

Việt Đường
(03/07/2013)


Khôn Ngoan Của Người Đời

Khôn ngoan đích thực người đời
Là trông thấy được niềm vui diệu kỳ
Trong điều đơn giản, bé ti
Mở to mắt ngó tất thì nhận ra

Việt Đường
(04/07/2013)


Đoàn Kết

Chớ mong gặt hái thành công
Nếu không hiệp sức, đồng lòng xông pha

Việt Đường
(04/07/2013)


Đà Nhún Đường Đời

Bao nhiêu chướng ngại đường trần
Bấy là đà nhún cho thân phận người

Việt Đường
(04/07/2013)


Chọn Đất Cắm Dùi

Mỗi người đều có chốn riêng
Chỉ cần chọn đất hữu duyên cắm dùi

Việt Đường
(04/07/2013)


Say Mê Nhìn Đời 

Trí khôn được khởi tạo bằng
Cái nhìn say đắm trước lăng kính đời

Việt Đường
(10/07/2013)


Dùng Hiện Tại Đắp Tương Lai

Người khôn chẳng thiết giày vò
Với bao sầu tủi, âu lo tháng ngày
Mà đem khó nhọc hôm nay
Ngăn ngừa vất vả mai này lâm cơn

Việt Đường
(11/07/2013)


Niềm Vui Bậc Nhất

Điều vui sướng nhất trên đời
Ấy làm nên việc mà người bất tin

Việt Đường
(15/07/2013)


Giúp Người

Chớ chờ tốt đẹp muôn phần
Mới đem nghĩa cử, tình thân giúp người

Việt Đường
(15/07/2013)


Học Giữ Câm Nín

Nếu lời nói chẳng ích chi
Thì nên học giữ câm lì là hơn

Việt Đường
(15/07/2013)


Thành Bại

Điều ngăn cản giấc mơ thành
Là lo thất bại lúc tranh đấu cùng

Việt Đường
(15/07/2013)


Giúp Người, Chớ Hại Người

Giúp người là sứ mệnh ta
Nếu không làm được chớ mà hại nhau

Việt Đường
(15/07/2013)