22 tháng 10, 2014

Câu Đối : ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT

Lão đệ TH thân mến,

“Câu đối nghệ thuật” chẳng khác nào một bàn “cờ thế giang hồ”, do các kỳ thủ sắp xếp bên vệ đường, hè phố mời khách qua đường dừng chân giải phá.

Thoạt nhìn thì bàn cờ thế nào thấy cũng đơn giản (chỉ có vài quân), tưởng chừng dễ phá (có thể phá được chỉ sau vài nước đi). Nhưng khi tham gia vào ván cờ, hầu như mình đi nước nào, chơi cách gì cũng … THUA. Đó là cái TINH TẾ của bàn cờ thế.

Câu đối nghệ thuật cũng vậy. Những câu như “DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH” của Bà Điểm chẳng hạn, đã được coi như những câu TỬ ĐỐI (Câu đối chết, câu đối không thể phá giải).

Gần đây, có một bạn đem một cuộc thi giải đối trên một thi đàn nào đó (tôi quên mất tên) ra hỏi tôi thấy sao? Cuộc thi ấy ra đề là KÝ GIẢ KÝ THIỆT. Chỉ có 4 chữ. Ban Giám khảo cuộc thi đó chấm

- Giải nhất : HÀNH QUÂN HÀNH DÂN
- Giải nhì : ĂN MÀY ĂN TAO

Bạn hỏi tôi thấy sao? Tôi ngần ngừ mãi không muốn nói, sau nể bạn buộc phải cho biết ý kiến: Hai giải ấy đều xuất sắc về mặt ý tưởng. Nhưng chỉ đáng nhận GIẢI KHUYẾN KHÍCH mà thôi. Không nên trao giải nhất hay giải nhì. Vì lẽ không đối về từ loại, và những chỗ HÁN & NÔM còn phạm quy.

KÝ GIẢ là danh từ kép Hán Việt chỉ người, tiếp theo là động từ tiếng Nôm, và trạng từ THIỆT tiếng Nôm.

Trong khi đó HÀNH QUÂN là động từ (nghĩa : chuyển quân từ nơi này đến chỗ khác để phục vụ một mục đích quân sự nào đó). Chữ HÀNH sau là động từ (nghĩa : hành hạ, hành tội, đày đọa), còn DÂN là danh từ

ĂN MÀY (hiểu ngầm KẺ ĂN MÀY) là danh từ thuần Nôm, nếu không hiểu ngầm chữ KẺ thì là động từ ăn mày, ăn xin (=BEG). Chữ ĂN sau là động từ Nôm, còn TAO là nhân vật đại danh từ (MÀY, TAO, MI, TỚ) dùng thay cho danh từ.

Tóm lại, vì không đối về từ loại và phạm trù Hán-Nôm, nên cả 2 câu đáp trên đều chỉ đáng nhận giải khuyến khích mà thôi

Tôi kể ra câu chuyện ấy, để các bạn thấy giải phá câu đối nghệ thuật là cả một vấn đề khó khăn, đôi khi nan giải. Thậm chí vài trăm năm sau cũng không dễ gì có người phá được.

Và chơi câu đối luôn NHỨC ĐẦU lắm. Một người sức khỏe bình thường chơi câu đối còn thấy NÁT ÓC. Huống chi tôi là một người đang lâm trọng bệnh… Không thể kéo dài mãi được. Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn Thiên Hùng ạ. Vui chơi như thế cũng đã ĐỦ RỒI. Cũng đến lúc anh em mình phải TẠM CHIA TAY thôi. Lần sau, nếu gặp lại trên thi đàn này hoặc một thi đàn nào khác, có lẽ Thiên Hùng lão đệ sẽ vượt qua tôi xa lắc đó, lão đệ ạ.

HSN TẠM BIỆT




Nguyên huynh thân mến,


Theo ghi chép của VĐ còn lưu lại trên blog của mình thì đề thi đưa ra là "ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT" chớ không phải là "KÝ GIẢ KÝ THIỆT" như ai đó đã đem đăng trên thi đàn nọ đâu.


Dưới đây là phần ghi chép của VĐ trên blog NĐTT (LTĐQB, người viết trích lược dưới đây chính là bác Ma Nữ của diễn đàn chúng ta) :


--- 

Kính thưa quý bạn vui câu đối,


Vừa nói truyện với chị NB, chị có kể là trong tờ báo Con Ong Texas có vế đối lại câu : "Cô Hồng cởi áo cô Hồng trần" bằng vế "Cậu Bạch vén quần cậu Bạch đái" xin ngài ngự phê thử coi sao. Thêm vào nữa câu đối về Cô Hồng dường như đã cạn ý nên LTĐQB tôi xin góp thêm vui với một vế xuất từng gây sôi nổi trên tờ MÁI ẤM GIA ĐÌNH của nữ luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG DIỆP. Cuộc thi vui này nhờ cụ ĐÀO HỮU DƯƠNG, một cuốn tự điển sống đứng ra làm người chấm giải :


XUẤT : ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT

ĐỐI 1 : HÀNH QUÂN HÀNH DÂN (giải nhứt)
ĐỐI 2 : ĂN MÀY ĂN TAO (giải nhì)

Vì trong xứ mù tên chột làm vua, hai giải trúng đó lại do cùng một người ngáp ruồi được cả. Có lẽ tại hồi đó ít người dự thi vui nên anh chàng kia ngáp được con ruồi bự. Có một vị nữ lưu đối là THÁNH HIỀN THÁNH DỮ và NHỨT ĐỊNH LÀ CÂU CỦA CÔ ĐÓ HAY HƠN vì cô là đệ tử đích danh của thầy Thanh Lãng ở Văn Khoa và đe là sẽ tìm cho ra nguyên nhân vì đâu cụ Đào Hữu Dương tư vị hai câu trúng giải. Cho tới lúc nhà văn Nguyễn Khánh Do vạch cho cô rõ là câu của cô thất luật bằng trắc cô mới chịu im.


Đưa giai thoại này lên chỉ cốt mua vui, Lạc Thủy tôi không có ý gì khác xin quý bạn cùng thử họa cho vui


Trân trọng

LTĐQB

@


Kính góp vui :


XUẤT : ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT ! [Khuyết Danh]

ĐỐI : CƯƠNG THƯỜNG CƯƠNG GHÊ ! [Việt Đường (10/10/2005)]

@


Anh Việt Đường mến,


Từ hồi biết câu "Độc Giả, Độc Thiệt" tử đối cách đây mấy chục năm, từ trước 75 kìa thì đây là lần đầu tiên tôi thấy câu "Cương Thường, Cương Ghê" của anh tương đối gần chỉnh nhất ! Khâm phục ! Chắc bác TQ chi cũng có lời khen !


Thân,

Hoàng



Tiểu đệ vào đọc lời của mấy lão huynh mà cảm xúc dâng trào, tiểu đệ cũng mới tham gia vào diễn đàn này, gặp được mấy lão huynh âu cũng là duyên số! "Hữu duyên thiên lý năng tương hội", tuy mới gặp nhưng cảm giác như rất thân thiết, mong các huynh dồi dào sức khỏe để vui với các lớp đàn em! Tiểu đệ tài hèn, sức mọn, chỉ mong đối ra các lão huynh không cười chê là mừng rồi!

Nay lão huynh HSN vì lí do sức khỏe mà giã từ anh em, tiểu đệ thấy hụt hẫng vô cùng, tiểu đệ không biết an ủi thế nào? Thôi thì đối tạm một câu, mong lão huynh vào chỉ bảo cho tiểu đệ thì tiểu đệ đã vui lắm rồi! Chúc huynh sức khỏe dồi dào nha Nguyên huynh!


ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT

HIỀN NHÂN HIỀN KINH

Đinh Tà




hihihiii tổng hợp 2 câu của anh VĐ & ĐT ... 


ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT (?)

KINH THÀNH KINH GHÊ

Thiên Hùng




Một lời nói ấy của Đinh Tà, tôi sao dám phụ lòng. Xin nói thêm đôi câu:

1- Trước hết xin nói với anh Việt Đường : Cám ơn anh đã cho biết chính xác về câu đối và cuộc thi ấy… ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT rõ ràng là khó hơn KÝ GIẢ KÝ THIỆT rất nhiều. Vì riêng chữ là động từ, phạm vi xoay sở rộng hơn chữ ĐỘC sau. Đó là một tính từ (adjective). Kinh nghiệm chơi câu đối cho thấy những tính từ hoặc trạng từ NÔM quái ác luôn rất khó đối

2- Phân tích chi tiết câu đối ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT

- Hai chữ đầu ĐỘC GIẢ là danh từ Hán Việt (Độc : Đọc, Giả : Người, Độc Giả : Người đọc sách, đọc báo), cả hai chữ cùng là thanh trắc. Sẽ đòi hỏi trong câu đáp một từ Hán Việt 2 chữ cùng thanh bằng (nếu tìm được danh từ chỉ người, và chỉ luôn nghề nghiệp hoặc việc người ấy đang thực hiện sẽ là tốt nhất. Bằng không thì danh từ chỉ vật, đồ vật, khái niệm cũng cho là được). 

- Hai chữ sau ĐỘC THIỆT là 2 tiếng Nôm nghĩa như là HAY THIỆT, DỮ THIỆT, QUÁI THẬT, GIỎI THẬT! Và tồn tại như một tiếng HÔ THÁN diễn tả một lời KHEN NGỢI, CA TỤNG

- Hai chữ sau hiện diện như một mảng trượt TỊNH TIẾN của 2 chữ trước, ĐỒNG DẠNG ở 2 chữ ĐỘC, nhưng phải là 2 chữ ĐỘC có 2 nghĩa KHÁC BIỆT (Đọc và Độc). Nếu 2 chữ ĐỘC cùng một nghĩa sẽ là KHÔNG ĐẠT. 

- Điểm khó nữa là phải có sự đối lập về nghĩa ở cặp từ GIẢ-THIỆT

3- Xét trên những tiêu chuẩn đó thì những câu đáp Thánh Hiền, Thánh Dữ - Ăn Mày Ăn Tao - Hành Quân Hành Dân rất đáng bị loại, còn nếu cho đoạt giải thì chỉ nên cho giải khuyến khích mà thôi.

- Câu đáp của Đinh Tà, HIỀN NHÂN HIỀN KINH, mới nghe tưởng là rất hay, nhưng KINHNHÂN không đối lập về nghĩa như GIẢ THIỆT

- Câu đáp của đệ Thiên Hùng KINH THÀNH KINH GHÊ, cũng vậy, mới xem thấy … QUÁ TUYỆT. Nhìn lại thì THÀNHGHÊ cũng không kg phải là một cặp từ đối lập về nghĩa như GIẢTHIỆT

Do đó chưa giải được bàn cờ thế mà đã mất hết XE rồi.

4- Riêng câu đáp của anh Việt Đường, đúng như bạn Hoàng nào đó đã nói, là câu đáp TIỆM CẬN nhất với sự HOÀN CHỈNH. CƯƠNG THƯỜNG CƯƠNG GHÊ!

- Chữ Cương đầu (= CANG) nghĩa là giềng mối (Tam Cương Ngũ Thường). Chữ Cương sau là tiếng Nôm với nghĩa CỨNG, CỨNG RẮN. 
THƯỜNG (bình thường, trung bình thôi), GHÊ (chỉ trạng thái vượt trội lên, hơn hẳn bình thường). Cặp từ này chính là MẤU CHỐT của câu đáp.

Điều đáng tiếc duy nhất CƯƠNG THƯỜNG là danh từ chỉ một khái niệm Triết học, chứ không phải là một danh từ cụ thể chỉ người, chỉ nghề nghiệp, hoặc chỉ việc đang làm như hai chữ ĐỘC GIẢ. Nói câu đáp của anh Việt Đường TIỆM CẬN với sự HOÀN CHỈNH là vì thế. Dù sao, câu đáp này vẫn là câu đáp ĐÚNG NHẤT, HAY NHẤT cho đến thời điểm này, các bạn ạ.


HSN


11 tháng 10, 2014

Câu Đối Vui

Vế Xuất : ÔNG ĐỒ MÀI MỰC, VẼ BẢN ĐỒ, ĐỒ LUI ĐỒ TỚI
[VÔ DANH]

Vế Đối : THỢ KHOÁ ĐÚC CHÌA, THI NIÊN KHOÁ, KHOÁ VÍT KHOÁ VUNG
[VIỆT ĐƯỜNG]



Vế Xuất : CÂY XƯƠNG RỒNG, TRỒNG ĐẤT RẮN, LONG LẠI HOÀN LONG
[ĐOÀN THỊ ĐIỂM]

Nói thêm về vế đối CÂY XƯƠNG RỒNG


CÂY XƯƠNG RỒNG, trồng ĐẤT RẮN, LONG LẠI HOÀN LONG [ĐTĐ]


Đây là một câu đối KHÓ, CỰC KHÓ của bà Điểm. Ngay đến ông Trạng Nguyễn Quỳnh là tay chơi lão luyện thuở ấy cũng chỉ có thể giải đáp tức thời theo cách “đỡ đạn” mà thôi. Suốt mấy trăm năm qua, câu đối này xem như vẫn chưa có lời đáp nào tương xứng


Cái khó này tập trung ở nhiều điểm :


- Một là, phải có một cặp 2 vật, hoặc 2 con vật nào đấy, có tương quan gần gũi với nhau tương tự như RỒNG RẮN. Chẳng hạn như CHIM CHUỘT, MÈO CHUỘT... Nếu lấy 2 con vật bất kỳ nào đó sẽ là không đạt


- Hai là tính chất HỆ QUẢ : Cây xương rồng đem trồng trên đất rắn, nên hậu quả là LONG lại hoàn LONG. 4 chữ sau bắt buộc phải là HỆ QUẢ của mệnh đề đi trước.


- Tính chất 2 ngữ nghĩa Hán Việt của 4 chữ cuối LONG LẠI HOÀN LONG : Nghĩa Nôm “Lung lay vẫn hoàn lung lay”, nghĩa Hán Việt “Rồng lại hiện nguyên hình Rồng”


- Riêng chữ HOÀN : đây là một loại động tử nối (linking verb) trong tiếng Anh, với nghĩa là “Trở lại như lúc đầu” (=Dragon still TURNS BACK into Dragon). Những cụm từ ngữ liên quan như : MÈO LẠI HOÀN MÈO, VĂN MINH CỰC ĐIỂM ĐÁO HOÀN NGU v.v... Trong câu đáp của trạng Quỳnh, THỬ CHƠI THÌ THỬ. Động từ THÌ (BE) cũng là động từ Linking, chọi với HOÀN là chỉnh về từ loại, nhưng không đối thanh, và THÌ THỬ không hình thành từ Hán Việt tương ứng với HOÀN LONG. Cụm từ SỢ ƠI LÀ SỢ cũng y hệt như thế.


Tại đây, cốt vui không cốt hay, cũng chẳng mong gì qua mặt được trạng Quỳnh, nên bạn hữu cứ giải đáp líp ba ga... Tôi xin hiến một câu đáp khác, cũng vẫn CHƯA ĐẠT, nhưng chỉ góp vui


QUẢ ÓC CHÓ, BỎ LỖ TRÂU, CẨU CHI ĐẠI CẨU


Chúc tất cả cùng vui


HSN




Vế Đối :
1- CHÚ CÁ NGỰA, CỰA MỒM TRÂU, MÃ CÀNG THÍ MÃ
2- QUẢ CỨT CHUỘT, TUỘT LỒNG CHIM, THỬ CÀNG KHÍCH THỬ
[VIỆT ĐƯỜNG]

(Quả, lá) cứt chuột, hay còn gọi là sầu đau hoặc khổ sâm có tác dụng kháng lỵ


Anh Việt Đường thân mến,

Rất vui khi thấy đại giá tái xuất. Đã lâu rồi mình không được gặp nhau.
Cám ơn đệ Thiên Hùng đã trương câu đối XƯƠNG RỒNG ra, nhờ đó mà thu hút được nhiều khách quý.

Thật ra, tôi cũng như anh, anh Việt Đường ạ, bị chính CÂY XƯƠNG RỒNG ấy cuốn hút. Ngày 2 tháng 1 năm 2014, tôi đau nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch cấp tính, phải nằm viện mất nửa tháng. Từ đó đến nay, tình trạng ổn định ở lưng chừng vách núi cheo leo, một cơn gió nhẹ cũng có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, có lẽ bệnh sẽ không bao giờ khỏi được nữa, cứ sống chung với nó mà thôi. Bây giờ, hầu như tôi kg làm thơ, cũng kg soạn nhạc mới nữa. Topic CÂU ĐỐI NGỰA này hầu như đã bị “TREO” luôn kể từ ngày ấy. Chỉ đến gần đây Thiên Hùng trương CÂY XƯƠNG RỒNG của bà ĐIỂM ra, thì tôi mới ra vào nơi đây liên tục mà thôi.

Hai câu đáp của anh thật là XUẤT SẮC đó anh Việt Đường ạ. Phong anh làm ông Trạng Việt Đường nhé, có chịu không? Tôi chỉ đùa thôi. Chúc anh luôn vui

HSN



Cám ơn Nguyên huynh đã quá khen. Thật ra câu đối "TSHUSHIMA, GIẢI MÃ CÂU ĐỐI MÃ" của anh quá hóc búa nên Việt Đường nghĩ hoài chưa ra nên chưa ghé vào đây đó thôi. Kính chúc anh dần dà bình phục trở lại. Có 2 câu này VĐ mới nghĩ ra, không biết có thể dùng làm câu đối không nhỉ, Nguyên huynh thấy sao ?

QUAN CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]

ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, RỒI LẠI THÊM ĐIẾU [VIỆT ĐƯỜNG]





Anh cũng hỏi tôi THẤY SAO à ? Hỏi thì tôi đáp thật tình nhé :


1- Thật là những câu đối HAY và QUÁI ÁC đó anh ạ. Người đặt ra vế đối chẳng khác nào người thợ làm khóa. Ổ khóa làm ra phải đạt 2 điểm TINH XẢO và THẨM MỸ. Càng ngắn gọn, càng súc tích càng hay. Vì Thơ là đỉnh cao của Văn, còn Câu đối lại là chóp đỉnh của Thơ. Câu đối nghệ thuật, anh thấy đấy, khác xa với những câu đối chợ ! Hai câu đối mà anh đưa ra chính là những câu đối nghệ thuật, mang đủ 2 tính chất thẩm mỹ và tinh xảo ấy


2- Tuy vậy, cho phép tôi góp ý một chút : QUAN CÔNG, một danh tướng thời Tam Quốc, sinh vi tướng, tử vi thần, vốn được người đời thờ phượng, tôn làm Quan Thánh Đế Quân, do đó, khi đã gài ý “CÔNG NGỦ” thì nên tránh vị này ra, thay bằng THẤT CÔNG (Hồng Thất Công, nhân vật hư cấu của Kim Dung) như thế có lẽ sẽ tốt hơn.


3- Câu đối ĐÊM của anh quá tuyệt với 2 lần NÓI LÁI, nhưng khi đọc lên có vẻ như thiếu chất thơ, vì 2 chữ RỒI LẠI, và kết thúc bằng thanh trắc, nên có vẻ như bị cụt ngang. Nếu chỉnh lại một chút, có lẽ sẽ tốt hơn nữa :


ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI [VIỆT ĐƯỜNG]


May là chỉ THIẾU ĐUỐC chứ không THIẾU THUỐC, nên tha hồ mà rít, và có dư thừa để… đãi bạn… Phân tích thế thôi, phân tích thì dễ, chứ tìm ra câu đáp thì không dễ đâu anh ạ. Chúc anh vui. HSN




Không biết đề nghị của tôi có được anh đồng ý hay không, nhưng sẵn CÓ HỨNG nên tới luôn anh ạ :


ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI [VIỆT ĐƯỜNG]

CƯỠNG DÀNH CÂU, CHẶT CÀNH DÂU, DƯỠNG CÀNH CHIÊU KHÁCH [HSN]

(Một chút ăn gian GI và D nhé anh VĐ)



Đáp được 2 lần NÓI LÁI thôi. Chứ cái ý ĐÊM NGÀY, SÁNG TỐI của anh thì... tạm thua. HSN




THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]


Đây là một câu đối đơn giản, nhưng sẽ là CỰC KHÓ. Khó nhất là cụm từ Nôm "Ngủ gà ngủ gật". Chưa kể đến cái ý "CÔNG NGỦ". CỐT VUI KHÔNG CỐT HAY, tôi đáp luôn anh nhé


TƯ MÃ DU PHƯỢNG DU LONG [HSN]



Cái gượng ép trong câu đáp này là ở những từ Hán Việt Du Phượng Du Long. Do đó chỉ là câu đáp tạm mà chơi thôi. HSN




Cám ơn Nguyên huynh thật nhiều. VĐ vốn không có nhiều kinh nghiệm về việc ra vế đối, cho nên được Nguyên huynh thẳng thắn phân tách và góp ý là những dịp để VĐ mở rộng tầm mắt và sự hiểu biết của mình. Một lần nữa xin đa tạ, đa tạ. Kính chúc Nguyên huynh cùng gia đình luôn được an lạc. Quý bạn hữu và độc giả nào có hứng xin cứ tiếp tục cho vui. VĐ



... hây da, Nguyên huynh thay chi chữ Quan Công của anh VĐ thành Thất Công khiến câu đối khó lên thập bội ... nhưng cốt vui như Nguyên huynh nói nên cũng nhào vô ké  

THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]
TAM CÚC ĐU DỌC ĐU NGANG (TH)

... ăn gian chữ DỌC với GIỘC đồng âm 

ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI [VIỆT ĐƯỜNG]
SÁNG VÀO NGAI, KÉO VÀI NGAO, SÁU GIÀN PHUN KHÓI (TH)


Xướng :

THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]

Đáp :

TAM CÚC ĐU DỌC ĐU NGANG [TH]
 TƯ MÃ DU PHƯỢNG DU LONG [HSN]

Khả khả khả……..

1- Câu đáp MÃ DU của tôi đáp trước, câu đáp CÚC ĐU của đệ TH đáp sau. Nhưng tôi nhường cho CÚC ĐU trước, MÃ DU sau đó… Hỉu hong? Và chịu hong? Chưa CÚC ĐU thì lấy kí rì mả … GIÃ? Kg lẽ giã cái … gối ôm à? Khà khà… Quá đã phải không?

2- CÚC là ý nói con chim CÚT, còn DỌC là con GIỘC, pk TH ? Ba con chim Cút đu dọc đu ngang. Về ý thì hay, nhưng dùng từ như thế vẫn là … chuối dzú ép. Kg sao miễn vui và cười được là … PHÊ rồi.

3- Tôi xin mạn phép nói thêm về những cái khó của câu đối “THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT” này. 

- Một là, sau khi đổi QUAN CÔNG thành THẤT CÔNG : Đúng như đệ TH đã nói, câu đối này trở nên khó hơn thập bội, vì đã chèn vào thêm con số 7. THẤT CÔNG = Hồng Thất Công, Ông Bảy, mà cũng là 7 ông nữa. Để đáp được con số 7 này chỉ có VÔ (số không), TAM (Số 3), TƯ (Nói trại của TỨ = số 4), THIÊN (một ngàn)… mà thôi. Phạm vi của câu đáp đã bị thu hẹp thêm

- Hai là, 2 chữ CÔNG NGỦ vốn là trọng tâm của câu đối, và tìm được từ lái tương xứng có một con vật nào đó chọi lại con CÔNG, thật tình là KHÔNG DỄ. Thiên Hùng cho con CÚT ĐU. Tôi thì không tìm được tiếng Nôm nào phải cho con ngựa rong chơi bằng từ Hán Việt MÃ DU.

- Ba là, cụm thành ngữ “NGỦ GÀ NGỦ GẬT”, với sự có mặt của một con GÀ lại càng thêm khó. Giả sử anh Việt Đường nói “Ngủ gà ngủ vịt” thì còn có những cụm thành ngữ khác như “Ý kiến ý cò, Ý kiến ý ruồi” để chọi lại. Anh VĐ nói “Ngủ gà ngủ gật” khiến càng khó đáp hơn. Giả sử bây giờ tôi đặt ra cụm thành ngữ mới : “Ý kiến ý cùn” thì CŨNG ĐƯỢC, và đem ông Vua ra chọi lại lão ăn mày trong câu này  :

THIÊN TỬ Ý KIẾN Ý CÙN

Mới nghe tưởng hay, nhưng Ý và Ngủ khác từ loại và không đối thanh, TỬ cũng không thể hiểu ngầm là con … SƯ TỬ. Và TỬ Ý hoàn toàn không đáp được cho 2 chữ CÔNG NGỦ

- Bốn là, không những khó hơn THẬP BỘI, câu đối này có lẽ sẽ trở thành một câu TỬ ĐỐI mới. Vì hầu như sẽ không thể có câu đáp cho 2 chữ THẤT CÔNG mang nghĩa MẤT CÔNG:

MẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ VỊT !!!

- Còn câu đáp VÀI NGAO thì mới đáp được có nửa câu thôi… Nửa sau chưa đạt TH ạ.


Xướng:

ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI [VIỆT ĐƯỜNG]

Đáp:

CƯỠNG DÀNH CÂU, CHẶT CÀNH DÂU, DƯỠNG CÀNH CHIÊU KHÁCH [HSN]
SÁNG VÀO NGAI, KÉO VÀI NGAO, SÁU GIÀN PHUN KHÓI (TH)

Trong câu đối ĐIẾU của anh VĐ, có 2 lần nói lái 

1-THIẾU ĐUỐC…. ĐIẾU THUỐC
2-ĐÊM THIẾU … THÊM ĐIẾU

Cả 2 lần đều có chữ ĐIẾU. Do đó mấu chốt chính là ở danh từ ĐIẾU này. Để giải được câu này phải tìm một danh từ vần bằng chọi được với ĐIẾU. Và chữ này cũng phải xuất hiện 2 lần 

Tôi đáp : CƯỠNG DÀNH CÂU, CHẶT CÀNH DÂU, DƯỠNG CÀNH CHIÊU KHÁCH cũng có 2 lần nói lái, 2 chữ CÀNH. Nhưng không đối được ý phụ ĐÊM… SÁNG, TỐI.  

Câu đáp của Thiên Hùng : SÁNG VÀO NGAI, KÉO VÀI NGAO, SÁU GIÀN PHUN KHÓI (TH). Thiên Hùng đối được ý ĐÊM/SÁNG, cũng nói lái 2 lần nhưng chữ VÀI chỉ mới xuất hiện một lần. Hơn nữa, chữ VÀI này là lượng từ chỉ số đếm (trạng từ hoặc tính từ, tùy theo trường hợp), không phải danh từ… Do đó chữ VÀI chắc chắn là không đạt. Nên tìm danh từ khác lão đệ ạ.


 ... ngày trước khi còn ở VN, đi chơi đờn ca tài tử bạn bè thương nói đùa, nhóm của TH là nhóm Sóng Vang tức Sáng dông ... nên nghĩ ra câu nầy để đối với câu của anh VĐ ... Nguyên huynh thấy được không nha ...

SÁNG DÔNG XUỒNG, THẢ SUÔNG DÒNG, SÓNG VANG ĐÙA GIÓ (TH) 

... cuối tuần vui nha Nguyên huynh & anh VĐ


Như tôi đã phân tích, chữ ĐIẾU nằm ở vị trí thú 5 và thứ 8 trong câu. Nên trong câu đáp, phải có từ “phá khóa” nằm đúng ở vị trí ấy… Câu của đệ Thiên Hùng chữ thứ 5 SUÔNG (là một trạng từ ), chữ thứ 8 VANG (là một động từ) : Không trùng nhau, và không cùng từ loại với chữ ĐIẾU. Do đó : Vẫn … chưa được

Tôi hiến thêm một câu đáp mới : 

KẺ SÀNH CÂU, CHẶT CÀNH SÂU, SẺ CÀNH CHIA NHÁNH [HSN]

- SÀNH CÂU … CÀNH SÂU
- KẺ SÀNH … SẺ CÀNH Để đáp đúng tính chất câu đối này, tôi buộc phải bỏ qua ý phụ ĐÊM/SÁNG, TỐI


Tôi tạm đưa ra 3 con CÚ chọi với 7 con CÔNG. Con CÚ này lâu không tắm, nên hơi ... có mùi... Sorry quý hiền hữu!

THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]
TAM CÚ THÔI VỊT THÔI VỜ [HSN]

- Thành ngữ : "Giả vờ giả vịt", được biến cải thành "Thôi vịt thôi vờ"-TAM CÚ : 3 con cú. Cũng có nghĩa là 3 câu (thơ)-Nghĩa nôm na : (Đánh) cho 3 cú, thôi giả vịt giả vờ!-Nói lái : Không dám ... nói lái!

Hê hê.....


.. á chời, Nguyên huynh làm đệ cười bò lăn trên ghế khiến mấy thằng Mễ thò lỏ mắt nhìn tưởng đệ điên hiihhihiiiiii  ... đệ thiết nghĩ hiền nhân luôn có ân trên phò trợ, chúc Nguyên huynh sẽ mãi an khang luôn là người anh, người Thầy hôm nay ngày mai và mãi mãi ...

... dạ, theo chân Nguyên huynh, đệ cũng bỏ qua ý sáng tối nha ... vì anh nông phu nầy quá lười, nên cuối cùng phải   hihihiiii

TÁI CHÔN CÀY, NỐC CHAI CỒN, TỐN CHAI CẦU ĐẠO (TH)

... hihihihii câu nầy muh làm câu xướng, được không Nguyên huynh ...


Em chỉ lén đọc rồi cười một mình thôi nha... Không dám... nói lái mà.

Shiroi


Anh Việt Đường thân mến,

Hai câu đối của anh “THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT” “ĐÊM THIẾU ĐUỐC, THÊM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI” quả thật là những câu đối rất dữ dội. Tôi loay hoay mãi cũng chỉ đưa ra được những lời đáp tạm, được cái này, thì không được cái kia… 

Xướng: 

ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI [VIỆT ĐƯỜNG]

Đáp:

CƯỠNG DÀNH CÂU, CHẶT CÀNH DÂU, DƯỠNG CÀNH CHIÊU KHÁCH [HSN]
KẺ SÀNH CÂU, CHẶT CÀNH SÂU, SẺ CÀNH CHIA NHÁNH [HSN]

SÁNG VÀO NGAI, KÉO VÀI NGAO, SÁU GIÀN PHUN KHÓI (TH)
SÁNG DÔNG XUỒNG, THẢ SUÔNG DÒNG, SÓNG VANG ĐÙA GIÓ (TH)
TÁI CHÔN CÀY, NỐC CHAI CỒN, TỐN CHAI CẦU ĐẠO (TH)

Thêm vài câu đáp nữa, nhưng tất cả cũng đều không đạt:

CHIẾM KIM CHU, GÁC CHIM CU, KIẾM CHIM MỜI BẠN [HSN]
BUỒN QUÂN BỒ, RÁCH QUẦN BÔ, BUÔNG QUẦN về nước [HSN]
CHUI LỒNG CHIM, VỚT LÔNG CHÌM, CHÙI LÔNG trên cỏ [HSN]

Để chọi với chữ ĐÊM, câu đáp dưới đây thỏa ý SÁNG/TỐI, lại có thêm cả CHIỀU nữa, nhưng không đạt yêu cầu về 2 chữ ĐIẾU :

SÁNG NHI ĐỒNG, TỐI ĐÔNG NHÌ, NHÍ SANG CHIỀU NỘI [HSN]

-Sáng ở bệnh viện Nhi Đồng-Tối ở rạp chiếu phim Đông Nhì-Em bé (NHÍ) sang nhà nội (nhà bà kế rạp Đông Nhì), chiều ý bà.

Xướng:

THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT [VIỆT ĐƯỜNG]

Những câu đáp cốt vui, không cốt hay:

TAM CÚC ĐU DỌC ĐU NGANG [Thiên Hùng]
TƯ MÃ DU PHƯỢNG DU LONG [HSN]
TAM CÚ THÔI VỊT THÔI VỜ [HSN]

Cũng rất tiếc là chưa được thấy lời giải của anh. Hai câu ấy, có lẽ cũng đều là TỬ ĐỐI cả.
Chúc anh và các quý hữu luôn vui



Nguyên huynh thân mến,

Đa tạ Nguyên huynh đã ghi chép ra đây 2 vế xướng cùng các vế đối và những lời bình. Nhờ Nguyên huynh góp ý mà 2 câu nguyên tác :

 "ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, RỒI LẠI THÊM ĐIẾU"
"BAO CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT"

 được hóa thành

 "ĐÊM THIẾU ĐUỐC, CHÂM ĐIẾU THUỐC, THÊM ĐIẾU ĐÃI NGƯỜI"
"THẤT CÔNG NGỦ GÀ NGỦ GẬT"

một cách trơn tru và hóc búa hơn.

Lúc đưa ra 2 câu đối trên Việt Đường không hề ý nghĩ rằng chúng sẽ là những câu đối khó và cũng không mảy may nghĩ đến 2 câu giải. Được Nguyên huynh và Hùng huynh vui vẻ hưởng ứng tham gia là vui lắm rồi, VĐ không mong mỏi gì hơn.

Kính chúc anh những ngày dưỡng bệnh an lạc và mong chóng gặp lại anh trên ĐV.

5 tháng 10, 2014

Ví Mà Có Phép Thần Thông Đổi

Ví Mà Có Phép Thần Thông Đổi

Trăn trở đầu non sóng bạt ghềnh
Ta ghì cảm xúc vỡ mông mênh
Tình nhà vẫn gọi nguồn xao xuyến
Nỗi nước còn lay thác dập dềnh
Ngẫm tiếc thời gian sao vội vã
Trông sầu thế cuộc quá chông chênh
Ví mà có phép thần thông đổi
Hiến trọn đời trai dẫu ngã kềnh !

Việt Đường
(05/10/2014)