31 tháng 8, 2019

10ème Mondial de Plumfoot


10ème Mondial de Plumfoot
10th Shuttlecock World Cup, France 2019

Cuối tuần thưởng thức giải cầu lông
Đẹp mắt giòn tai lẫn hả lòng
Ưỡn ngực ngăn đòn pha cố thủ
Vung giò nã cước loạt giành công
Khi cười khoái trá xông vào trận
Lúc khóc buồn tênh rút khỏi vòng
Chung cuộc Việt Nam toàn thắng lớn
Gieo nhiều phấn khởi khắp ngoài trong

Việt Đường
(31/08/2019)

Chung kết giải, loạt đá 3 người, cuối ngày 24/08/2019 tại CDFAS, vùng Eaubonne :

Đội nữ Việt Nam thắng Hoa Lục 3 sets
Đội nam Việt Nam thắng Hồng Kông 2 sets

Video trận chung kết nam :
https://www.facebook.com/franceplumfoot/videos/408683769765921/

25 tháng 8, 2019

Việt Nam Ơi, Hãy Ngẩng Đầu Tiến Bước

Hồng Kông mạnh mẽ xuống đường
Bao giờ nước Việt noi gương anh hào?

Việt Nam Ơi, Hãy Ngẩng Đầu Tiến Bước

Đâu có tự do nào 
Không đổi bằng xương máu
Đâu có hạnh phúc nào
Không nhọc nhằn tranh đấu?

Nhìn giới trẻ Hồng Kông
Xuống đường làm nghĩa vụ
Bạn có thấy đau lòng 
Còn tính toan, do dự?

Tự do chẳng cho không
Hạnh phúc đâu miễn phí
Hãy liên kết đại đồng
Đứng lên bày chí khí

Là loại bỏ độc tài
Chối từ muôn bạo ngược
Là tham nhũng ly khai
Chống ươn hèn, bạc nhược

Hãy dám nghĩ, dám làm 
Dám tỏ lòng yêu nước
Vì tương lai Việt Nam
Dám ngẩng đầu tiến bước

Hãy tháo gỡ cùm gông
Ba miền vai sánh nhịp 
Hỡi nòi giống Tiên Rồng
Xuống đường nhanh cho kịp

Việt Đường
(25/08/2019)


Bếp Nhà Vi Nấu


Bếp Nhà Vi Nấu

Bếp nhà Vi nấu thấy ngon ghê
Ước một lần sang thưởng thức nghề
Gỏi cá ốc xào mê mẩn ngoạm
Cháo gà cua hấp lẹ làng bê
Mực chiên nếm đã lòng heo tới
Bò đút nhai xong bún chả về
Hủ tíu vừa trôi bèn ních phở
Thêm chầu bánh lọt mới cười phê

Việt Đường
(25/08/2019)

22 tháng 8, 2019

Góc Vườn Thơ Mộng


Góc Vườn Thơ Mộng

Sân vườn dạo trước ngó hoang sơ
Được khéo chăm nom đẹp chẳng ngờ
Phải trái hoa leo giàn rắc ngọc
Trong ngoài gạch lót góc dìu thơ
Chiều sang nắng rụng cành phe phẩy
Tối đến trời nghiêng gió lượn lờ
Ghé bước hàn huyên ngồi vãn cảnh
Nghe lòng sảng khoái lạc vào mơ

Việt Đường
(22/08/2019)

20 tháng 8, 2019

Cúng Cô Hồn


Cúng Cô Hồn

Bàn thờ cúng lễ mới bày ra
Giật bắn mình nom đứng trước nhà
Các đảng nhe răng gườm lớn bé
Cô hồn trợn mắt liếc gần xa
Khay tiền đoản mía canh hồi chụp
Đĩa thịt phần khoai ngóng mé sà
Khấn vái vừa xong lần khóa mở
Mâm đầy phút chốc đã tiêu ma

Việt Đường
(20/08/2019)

17 tháng 8, 2019

Vu Lan Tưởng Kính Cha


Vu Lan Tưởng Kính Cha

Vu Lan còn mẹ thế nhưng mà
Vĩnh viễn đời này thiếu bóng cha
Di cảo tuy hằng lưu luyến ngõ
Dư âm dẫu mãi quẩn quanh nhà
Sinh ly vốn biết thường vô hạn
Tử biệt đâu ngờ chỉ sát na
Một vái tri ân thành kính tưởng
Dâng ai đã khuất nẻo sơn hà

Việt Đường
(17/08/2019)

Cát Bụi Thành Đôi


Tặng riêng bao cảnh lứa đôi
Nợ duyên gãy gánh bên đời quạnh hiu

Cát Bụi Thành Đôi

Hàng ghế vẫn âm thầm ngóng đợi
Người về đây kết nối tình xưa
Qua bao nắng hạn, mưa mùa
Tri âm biền biệt sao chưa thấy về

Để ngày tháng lê thê chợt hỏi
Phải chăng người đã khói hương bay
Thiên thu để lại nơi này
Bời bời thương nhớ, đắng cay trăm chiều

Để ngày tháng đìu hiu, quạnh quẽ
Ngồi ôm đàn khe khẽ hát ca
Này trăng trên đỉnh giang hà
Hãy đưa ta đến thật xa bên người

Để ta mãi được xuôi ngược với
Người yêu xưa lỡ mối duyên đầu
Từ đây cát bụi có nhau
Từ đây chấm dứt u sầu, cách chia

Việt Đường
(17/08/2019)

15 tháng 8, 2019

Hỗ Trợ Tinh Thần Tranh Đấu Của Giới Trẻ Hồng Kông


Hỗ Trợ Tinh Thần Tranh Đấu
Của Giới Trẻ Hồng Kông
(Ngũ độ thanh)

Giới trẻ Hồng Kông mỗi một ngày
Kiên cường phản kháng dạ nào lay
Dùi phang nát thịt vai còn ưỡn
Súng nổ trầy da ngực vẫn bày
Dẫn độ đừng mong hèn phủ gối
Quy hàng chớ tưởng dễ cùm tay
Cùng nhau hỗ trợ đường tranh đấu
Mạnh mẽ thành công tỏ sức dày

Việt Đường
(15/08/2019)

10 tháng 8, 2019

Mất Nước Thời Nay


Mất Nước Thời Nay

Đương thời vong quốc khác ngày xưa
Dẫu đạn cầm dư súng vác thừa
Xỏ mũi Tàu lôi ì mặt xỏ
Đưa đầu Khựa cỡi cúi mình đưa
Tài nguyên cưỡng đoạt tim nào rối
Lãnh thổ gom thâu bụng mới vừa
Thực hiện ba không đành đoạn bảo
Mai về chầu Bác cũng còn thưa?

Việt Đường
(10/08/2019)


“MẤT NƯỚC”

Mạnh Kim

Khi vào bệnh viện thăm sau khi ông vừa trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh vào tháng 11-2017, tôi thấy mình mẩy ông được gắn đầy thiết bị y tế, kể cả cổ họng. Không nói được, ông ra hiệu cô con gái lấy giấy viết. Ông cụ hơn 90 tuổi – giáo sư Lê Xuân Khoa – run rẩy viết nguệch ngoạc: “Tôi lo mất nước về tay Tàu rồi”!

“Mất nước” – như thế nào là “mất nước”? “Mất nước” thời thế kỷ 21 không giống như khái niệm “mất nước” giai đoạn bị đô hộ dưới ách thống trị quốc gia khác, khi kẻ đô hộ có thể cai trị trực tiếp hoặc áp đặt cai trị bằng một bộ máy bù nhìn. Sự lệ thuộc chính trị và kinh tế thời nay đã tạo ra những phiên bản đô hộ kiểu mới. Quốc gia bị đô hộ vẫn có “chủ quyền”, vẫn có bộ máy nhà nước riêng và đầy đủ “công cụ” để gìn giữ an ninh quốc gia, từ công an, tình báo đến quân đội. Tuy nhiên, thực dân mới không cần thò chân sâu vào trong và ngồi hẳn lên chiếc ghế chủ nhà. Chúng chỉ cần thọc tay điều khiển hoặc tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự vận hành guồng máy kinh tế và thậm chí chính trị. Chúng dùng mọi thủ đoạn có thể, để không chỉ khống chế kinh tế mà còn làm lệ thuộc kinh tế.

Phiên bản xâm chiếm quốc gia bằng quyền lực mềm vài năm gần đây đã được ám chỉ đến sự bành trướng Trung Quốc. Những than van “mất nước về tay Tàu” không chỉ được nghe ở một hoặc vài quốc gia. Các phóng sự nặng ký của New York Times về sự phủ bóng Trung Quốc ở Trung Á đã không chỉ một lần nêu lên cảm thán “mất nước” mà người dân các quốc gia này thốt lên. Ở châu Phi cũng văng vẳng than van “mất nước” trước sự xuất hiện dày đặc Trung Quốc. Ở Đông Nam Á, một trong những quốc gia đang cúi mình để “sang nhượng” không chỉ tài nguyên, đất đai mà cả quyền lực chính trị cho Trung Quốc, không thể không kể, là Campuchia. Với nhiều người Trung Á, châu Phi, hay Campuchia hoặc Lào, họ không nghĩ họ đang bị mất nước. Quốc gia họ vẫn còn đó, cờ tổ quốc vẫn phất phới bay, mỗi sáng trường học vẫn hát quốc ca. Chính phủ nước họ vẫn đi dự các phiên họp LHQ. Quân đội họ vẫn ôm súng “bảo vệ biên cương”… Tuy nhiên, với không ít người khác, họ tin là quốc gia mình đã “mất nước về tay Tàu rồi”.

Không như các nước Trung Á hay châu Phi, Việt Nam không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất thế giới đi theo cái bóng Trung Quốc, áp dụng mô hình chính trị gần tương tự Trung Quốc, sử dụng ngôn ngữ chính trị lẫn ngoại giao bằng “từ vựng Trung Quốc” (chẳng hạn khái niệm “diễn biến hòa bình”). Quân đội Trung Quốc và quân đội Việt Nam thậm chí vận quân phục gần tương tự. Chưa có quan hệ song phương nào trên thế giới hiện nay được miêu tả bằng những từ ngữ đẹp đẽ như trường hợp Trung Quốc-Việt Nam. Ngay cả khi Trung Quốc không ít lần dùng những cách nói vô luân như “dạy Việt Nam một bài học”, hay “Việt Nam là đứa con hoang”…, Việt Nam vẫn khẳng định “mối quan hệ tốt đẹp” với Trung Quốc.

Khó có thể nói Việt Nam thật bụng trong cách thể hiện với Trung Quốc, nhưng bất luận giả hay thật đằng sau hậu trường như thế nào, thì cũng thấy Việt Nam đang rất thật trong việc… rất giả dối với chính người dân về mối quan hệ với Trung Quốc. Điều gì khiến Việt Nam không trung thực với người dân? Việt Nam không ít lần “bất mãn” và “căm tức” nhưng cuối cùng vẫn ngậm bò hòn làm ngọt với Trung Quốc. Tại sao lại thế? Ai khai sinh ra cái chủ trương “Ba Không” trong quan hệ đối ngoại Việt Nam để ngày nay gần như bất kỳ người dân nào, dù ít am hiểu chính trị, cũng có thể thấy Trung Quốc đang lợi dụng triệt để chính sách “Ba Không” của Việt Nam và ngày càng dồn Việt Nam vào thế khó xử? Điều gì mới thật sự là nguy cơ đối với dân tộc Việt Nam: mất nước hay mất thể chế?

“Mất nước” – điều này có hay không? Người dân chưa bao giờ được giải đáp thỏa mãn từ chính cái bộ máy nhà nước đang ở vị trí thay mặt họ để bảo vệ chủ quyền. Người dân chưa bao giờ được giải thích tại sao có những “đặc khu Trung Quốc”, như Formosa (dù trên bề mặt thuộc tập đoàn Đài Loan), lại trở thành nơi không có người Việt nào “không phận sự” được phép vào. Người dân cũng không biết Việt Nam đã thỏa hiệp với Trung Quốc những gì sau mỗi lần xảy ra xung đột, từ vụ cắt cáp tàu Bình Minh, vụ giàn khoan HD-981 đến vụ bãi Tư Chính đang diễn ra. “Mất nước” rồi chưa? Không ai có thể trả lời xác đáng. Tuy nhiên, cờ tổ quốc vẫn tung bay không có nghĩa là chủ quyền vẫn còn. Hãy nhìn sang Trung Á, nhìn qua Campuchia, và nhìn lại mình. Cho đến một ngày mà người dân có thể nhìn thấy được “bàn tay” thật sự kẻ nào đang cầm ngọn cờ dân tộc để vẫy thì lúc đó không chỉ là mất nước!

9 tháng 8, 2019

Bảo Toàn Lãnh Hải Quê Hương


Bảo Toàn Lãnh Hải Quê Hương

Sơn hà xã tắc sẽ về đâu
Nếu cứ điềm nhiên ngó giặc Tàu
Xấc láo xua binh giàn diễn tập
Ngang tàng chĩa súng bãi gom thâu
Khi thì sủa nhặng rêu rao tiếng
Lúc lại cười toe ngúc ngoắc đầu
Nhất loạt xuống đường ta phản đối
Bảo toàn lãnh hải chớ ngồi lâu

Việt Đường
(09/08/2019)

4 tháng 8, 2019

Kiếp Người Bon Chen


Kiếp Người Bon Chen

Loài người vốn dĩ nặng bon chen
Mới chuốc vào thân lắm lụy phiền
Áo đẹp quần sang vừa nghĩ cách
Nhà cao cửa rộng lại lùng phen
Làm ba ước bốn so đo mãi
Có chục vòi trăm tính toán liền
Giới hạn đời thường không liệu giữ
Nên trầm bể khổ cứ triền miên

Việt Đường
(04/08/2019)

3 tháng 8, 2019

Tôi Yêu, Yêu Tiếng Nước Tôi


Tôi Yêu, Yêu Tiếng Nước Tôi
(Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi.. - Tình Ca, Phạm Duy)

Tôi yêu, yêu tiếng nước tôi
Từ khi bé bỏng chào đời năm xưa
Tôi thương, thương mấy cho vừa
Thanh âm dịu ngọt trải trưa nắng hè

Tôi thèm nghe giọng chân quê
Mẹ ru từng thuở chưa hề nguôi quên
Tôi say ngôn ngữ ba miền
Miền Nam, Trung, Bắc bao phen dãi dầu

Tôi qua nhiều cuộc bể dâu
Nhưng tim còn thắm sắc màu thời gian
Tôi luôn nhung nhớ vô vàn
Buồng nhau, cuống rốn quan san xa vời

Tôi yêu, yêu tiếng nước tôi
Dù cho vật đổi sao dời, ơi ai
Dù cho thân xác, hình hài
Vùi chôn cát bụi một mai xuôi dòng

Một mai về với hư không
Trinh nguyên vẫn giữ bên lòng tình quê

Việt Đường
(03/08/2019)