11 tháng 1, 2024

Ngày Đông Lạnh Lẽo


Ngày Đông Lạnh Lẽo
(Viết cho ngày 8 & 9 đầu năm)

Khí lạnh bao trùm tuyết trắng rơi
Ngày lên ở khắp nẻo chân trời
Khăn choàng thật kín còn xuyên cổ
Áo vận cho dày vẫn hắt hơi
Nắng tựa đi hoang miền nóng bỏng
Chim như trốn biệt xứ xa vời
Run run thả gót chiều tan sở 
Khách ước mau về lửa ấm khơi

Việt Đường
(11/01/2024)

1 tháng 1, 2024

Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch 2024


Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch 2024

Dương Lịch tân niên chúc mọi nhà
Bao điều gánh vác đạt vinh hoa
Gầy nên thành tựu trai cùng gái
Sống được an nhiên trẻ chí già
Hạnh phúc nhân duyên hằng thắt chặt
Ưu phiền thế sự chóng rời xa
Mong sao khói lửa lui dần bước
Tái dựng muôn nơi cảnh thái hòa

Việt Đường
(01/01/2024)

29 tháng 11, 2023

KÍNH TIỄN BIỆT HOÀ THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ


KÍNH TIỄN BIỆT HOÀ THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ

KÍNH cẩn nghiêng đầu thắp nén nhang
TIỄN ai vừa khuất nẻo sen vàng
BIỆT ly ức dặm trời thương phố
HOÀ hiệp muôn trùng sóng lạc giang
THƯỢNG vị uy nghiêm bày lớp lớp
THÍCH danh uyên bác tụng hàng hàng 
TUỆ tâm trong sáng nào phai nhạt
khí ngàn đời mãi vọng vang

Việt Đường
(29/11/2023)

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào; Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh, Đồng nguyên quán xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Trung phần Việt Nam.

Thuở nhỏ Thầy thường được theo mẹ đi chùa làng gần nhà, là nhân duyên để đến lúc Thầy chỉ muốn ở chùa không về nhà nữa. Năm 1952, do chạy giặc, Thầy được cha mẹ gởi lên chùa hành điệu hầu sư phụ là Hòa thượng khai sơn chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé, Lào. Năm 1954, 9 tuổi, Thầy chính thức được thế phát xuất gia tại chùa này. Đến năm 12 tuổi, vị Trụ trì chùa nhận thấy khả năng và thiên tư đặc biệt của người học trò này, đã khuyên gia đình nên đưa Thầy về Việt Nam để rộng đường tu học. Năm 1960 Thầy trở về Việt Nam, sống xa gia đình tại chùa Bồ đề, một ngôi chùa nhỏ gần cầu Gia Hội, Huế. Hành trang Thầy lúc đó là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ Hán Thầy luôn giữ bên mình, đến năm 1968 do biến cố Tết Mậu thân mới bị lạc mất ở chùa Từ Đàm, Huế. Chú của Thầy là Hòa thượng Thích Trí Quang, một nhà lãnh đạo nổi danh của Phật Giáo trong thập niên 1960, lúc ấy cũng đang sống tại Huế.

Tuy vậy với bản tính độc lập, Thầy đã một mình giong ruổi qua các địa phương: Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Tiền Giang và các tỉnh miền Nam, tự lập và sống nương nhờ các tự viện lớn nhỏ. Năm 1961, 16 tuổi, Thầy thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn. Năm này, Thầy thọ an cư Sa-di giới đầu tiên tại chùa Phật Ân, tỉnh Tiền Giang cùng với thầy Trí Minh. Sau cùng Thầy được Hòa thượng (viết tắt là HT) Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già-lam ở Gò Vấp, Sài Gòn. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964, học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, Phân khoa Phật học niên khóa 1965. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận, HT Thích Đức Nhuận là người đầu tiên phát hiện tài năng của người tu sĩ trẻ, đã giới thiệu Thầy vào Viện ĐH Vạn Hạnh. HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng lúc đó đã đề nghị Viện trao bằng Cử nhân cho Thầy, nhưng Thầy xin phép được từ chối.

Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như Đại Cương Về Thiền Quán, do Đại lão HT Thích Đôn Hậu giới thiệu, Liên Hoa ấn quán in 1967, Triết Học về Tánh Không (An Tiêm xuất bản, Saigon 1970), v.v… Sau đó Thầy kiêm Xử lý Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học này (niên khóa 1972-1973). Thầy tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Thầy cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền Luận nổi tiếng của D.T. Suzuki bản Việt ngữ tập 2 và 3 là do Thầy dịch, in và tái bản nhiều lần từ 1972 đến 1975.

Năm 1973, HT. Thích Trí Thủ thấy Thầy mãi lo việc nghiên cứu và giảng dạy, Ngài đã đốc thúc Thầy chuẩn bị thọ Đại giới Tỳ-kheo, và Sa-di Tuệ Sỹ đã chính thức thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang năm 1973, với HT. Đàn đầu Thích Phúc Hộ, HT. Yết-ma Thích Giác Tánh, Giáo thọ sư HT. Thích Trí Nghiêm, Thích Huệ Hưng.

HT. Tuệ Sỹ không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa, Thầy còn tinh thông triết học Tây phương, văn chương, thơ, âm nhạc. HT nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của Trung quốc như Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, HT đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’ (Ca Dao xb, Sài Gòn, 1973). Về âm nhạc, HT chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo. Thầy tìm hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. HT làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc, phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn. Đồng thời HT cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh. Tập thơ đặc sắc bằng chữ Hán, ‘Ngục trung mị ngữ’ được HT làm trong tù sau năm 1975, và các tập thơ ‘Giấc mơ Trường sơn’, ‘Những điệp khúc cho dương cầm’, ‘Thiên lý độc hành’ sau này đã được dịch ra Anh, Pháp, Nhật ngữ, phát hành rộng rãi tại hải ngoại.

Từ trẻ HT đã thuộc lòng các bộ Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Thắng Man, Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, tư tưởng Bồ-tát đạo trong kinh này và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Thầy. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, HT đã viết giảng luận “Huyền thoại Duy-ma-cật”, và đi theo hình mẫu lý tưởng này, HT đã không ngại dấn thân phụng sự, và ngài đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm 1973 HT về Nha Trang làm Giám học Phật học viện Trung phần (tức Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức), do HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Năm 1975, HT Tuệ Sỹ đang phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Trung phần, Nha Trang. Sau biến cố 30/4/1975, cơ sở này bị đóng cửa, HT về ẩn cư tại một miếng rẫy chùa ở ven rừng Vạn Giã, cách Nha Trang chừng 60 km.

Đến năm 1977, HT vào Sài Gòn lánh nạn ở chùa Tập Thành quận Bình Thạnh. Năm 1978, HT bị nhà cầm quyền bắt giam 3 năm không xét xử (tội cư trú bất hợp pháp), cuối năm 1980 thì được phóng thích.

Do hoàn cảnh mấy năm lang thang và ở tù, nhận thấy giới thể bị ảnh hưởng, có thể không thanh tịnh, HT được thọ lại Đại giới Cụ túc tại Quảng Hương Già-lam năm 1982 do HT. Thích Trí Thủ làm đàn đầu, HT. Thích Trí Quang làm tôn chứng, HT. Thích Trí Tịnh làm tuyên luật sư.

Từ năm 1980 đến 1984, HT làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già-lam do Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện.

Tháng 4/1984, HT lại bị bắt cùng Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không chấp nhận luật sư chỉ định biện hộ mà hai thầy tự biện hộ cho mình, nhà cầm quyền đã kết án TỬ HÌNH hai Thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam HT tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng HT ra trại A-20 tỉnh Phú Yên. Tháng 10/1994, với sự phản kháng trong tù, HT bị nhà cầm quyền tách đưa ra trại giam Ba sao, miền Bắc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được Tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu nhân quyền (Hellman-Hammett Awards) cùng với 7 nhà đấu tranh khác vào ngày 03/8/1998.

Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, HT đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc HT ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, HT đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. HT đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Và Hà Nội đã phải trả tự do cho HT vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày Thầy không ăn và tiếp theo cả không uống, tổng cộng 14 ngày. Hòa thượng Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, bên ngoài không biết. Thấy sức khoẻ HT suy sụp nhanh chóng, chính quyền đã vội đưa bác sĩ vào xin điều trị, và đưa Thầy ra khỏi trại giam.

Ngày 02/9/1998, lúc 10 giờ 45, Hòa thượng Tuệ Sỹ được đưa lên xe lửa về Nam. Ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên xe với sức khỏe rất yếu sau khi tuyệt thực trong tù, HT không chịu nổi nên được đưa xuống ga Nha Trang, về tạm ở Phật học viện Hải Đức. Ít lâu sau công an lại ra lệnh HT phải về chùa Già Lam ở Sài-gòn, không được phép ở Nha Trang. Hòa thượng từ chối, viết một lá thư gửi cho nhà cầm quyền, nói “một là tôi tự do ở đâu tôi muốn, hai là vào tù trở lại, chứ mấy ông không thể thả tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để nhốt tôi vào nhà tù lớn hơn là cả đất nước này”. Tin này lập tức được loan truyền trên báo chí hải ngoại thời đó.

Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận của Thầy.

Tháng 4 năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ đề cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 2002, với trách nhiệm Đệ Nhất Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là quyền phục hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm tôn giáo Thích Tuệ Sỹ tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là tấm gương sáng, là niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc.” Đối với Hòa thượng Tuệ Sỹ, sức mạnh của Phật giáo không phải là Chính trị, mà là Văn hóa và Xã hội, trong đó Giáo dục có vai trò rất quan trọng. Nhưng công cuộc giáo dục này phải do Giáo hội độc lập đề ra, không thể chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ thế lực nào, thì mới mong đào tạo ra những thế hệ tăng ni có tài đức để phụng sự xã hội, xứng danh trong hàng Tăng Bảo.

Tiếp đến, đầu tháng 3/2003, Hòa thượng Tuệ Sỹ khâm lệnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, từ nơi bị quản thúc tại Quảng Hương Già-lam, Thầy đã tháp tùng Hòa thượng Thích Huyền Quang ra Hà Nội chữa bệnh và chuẩn bị gặp Thủ tướng đương thời là ông Phan Văn Khải, để yêu cầu ngài Thủ tướng giải quyết việc đã đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, cũng như sự cấm đoán, quản chế không xét xử bản thân Hòa thượng cùng với HT. Thích Quảng Độ và một số Tăng ni, Phật tử khác. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của 6 nước thành viên Khối Liên Âu và Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chủ động tìm gặp Hòa thượng Tuệ Sỹ, mời Hòa thượng đến thăm, làm việc tại trụ sở ngoại giao của phái bộ Liên Âu ở Hà Nội. Họ đón Hòa thượng đi một mình, không có thị giả, người phiên dịch.

Ngày 01/10/2003, Hòa thượng đã cùng nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Sau Đại hội này, hai vị Đại lão Hòa thượng cũng như Hòa thượng Tuệ Sỹ và một số Tăng ni tham dự đã bị nhà cầm quyền quản chế mỗi người một nơi, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên với tinh thần ‘uy vũ bất năng khuất’, Hòa thượng đã sát cánh cùng nhị vị HT Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTN Hải ngoại tổ chức Đại hội bất thường GHPGVNTN tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu trong cùng năm 2003. Chính Đại hội này đã công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo hội trong nước và hải ngoại, và toàn thể Tăng ni Phật tử đã suy tôn Đại lão HT Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN.

Năm 2008, đức Đệ Tứ Tăng thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang viên tịch. Ngôi vị được trao lại cho Đại lão HT Thích Quảng Độ truyền thừa, là Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN.

Từ đây, Hòa thượng Tuệ Sỹ được yên tâm dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này HT đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác…

Tháng 03/ 2019, Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN dự tri thời chí, biết sức khỏe không còn nhiều, Ngài đã mời HT Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống GHPGVNTN, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch.

Đến tháng 02/2020 Đại lão HT Đệ Ngũ Tăng thống GHPGVNTN thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch tại chùa Từ Hiếu. Lúc này, HT Thích Tuệ Sỹ đang chữa trọng bệnh tại Nhật Bản và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid, không thể về nước.

Tháng 10/2020 ngay khi có lại các chuyến bay thương mại, Hòa thượng là một trong số người đầu tiên về nước, dù lúc đó các bác sĩ Nhật Bản khuyên nên ở lại chữa trị, nếu không thì cuộc sống không thể kéo dài quá 6 tháng.

Qua năm 2021, đại dịch Covid bùng phát trở lại ở châu Á trong đó có Việt Nam, mà nặng nhất là Sài-gòn. Với sự phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền, mọi dịch vụ y tế lúc đó bị đình trệ ngoại trừ việc chữa bệnh Covid, tuy nhiên Hòa thượng vẫn kiên trì mạnh mẽ chống chọi cơn bạo bệnh để hàng ngày vẫn ngồi bên bàn dịch Kinh, hiệu đính các tác phẩm, tổ chức sắp xếp thư mục cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Tháng 11/2021 Ngài chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Hoằng pháp, quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời để kế thừa Hội đồng Phiên dịch Tam tạng do chư tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương – Viện Tăng thống GHPGVNTN đã thành lập từ năm 1973 nhưng sau đó bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều chướng duyên khác.

Ngày 03/12/2021 Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời chính thức được thành lập theo Thông bạch số 11/VTT/VP. Từ đây, công việc phiên dịch, hiệu đính, chứng nghĩa chuyết văn và tổ chức in ấn được đẩy mạnh, thảy thảy đều theo quy củ đã định, để cuối cùng hình thành 29 tập đầu tiên được khởi in trong năm 2022, với công đức dự phần của các bậc Tôn túc cho đến Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, đặt nền móng cho công trình Đại Tạng Kinh VN chính thức được tiếp nối từ Hội nghị Toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam tạng tháng 10/1973.

Qua năm 2022: Ngày 21/8, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT. Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống.

Tiếp ngày 22/8 tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài-gòn, đã cử hành lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Hòa thượng.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào lúc 16:00 giờ, ngày 24 tháng 11 năm 2023, nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, trụ thế 79 năm, 46 giới lạp.

Sự ra đi của Hòa thượng không chỉ là mất mát lớn lao của GHPGVNTN mà còn là niềm đau chung của Phật giáo Việt Nam, cũng như là sự khuất bóng đáng tiếc của một anh tài tinh hoa Dân tộc; nhưng di sản Văn hóa, Giáo dục to lớn mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương tối thiết cho hành giả và học giả muôn đời sau.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh tông tứ thập tứ thế, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện Chánh Thư Ký Xử lý Thường Vụ, húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, hiệu TUỆ SỸ, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Sài Gòn ngày 24/11 năm 2023.
Môn đồ Pháp quyến

Nhiều năm trước AH có duyên gặp và làm bạn cùng phòng với Thầy Tuệ Sĩ, lúc đó Thầy còn ở cấp bậc Đại Đức, và mọi người chỉ gọi thế danh Thầy là Phạm Văn Thương. Tính Thầy rất bình dân, giản dị, không xa cách phân biệt tôn ti đạo với đời, ngay cả tên họ Thầy cũng được đưa ra làm trò đùa mà Thầy vẫn cười xuề xoà vui vẻ (Phạm có nghĩa là tù). Lúc vừa gặp, Thầy đã hỏi AH muốn ăn chay không thì ăn cơm chung với Thầy vì Thầy được chùa và Phật tử thăm nuôi tiếp tế thức ăn đầy đủ. Thầy bảo AH đừng ngại vì Thầy cũng đã từng làm vậy với nhiều người trước đó. Thầy lại chỉ dùng 1 bữa Ngọ trai và dành tất cả cơm chiều cho AH. Trước khi ăn, Thầy dành vài phút để tụng niệm. Trong phòng rất rảnh rỗi nên ngoài những lúc được gọi lên làm việc thì thời gian mọi người chỉ dùng để đánh cờ và kể chuyện. AH được biết Thầy học nhiều ngoại ngữ kể cả tiếng Phạn và từng giảng dạy ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Vốn tính ham học hỏi Thầy đề nghị trao đổi kiến thức với AH và một anh kỹ sư điện tử. Thầy dạy tiếng Đức, anh kỹ sư dạy điện tử và AH dạy hoá học. Thời gian gần một tháng thì AH bị chuyển đi, sau này chỉ nghe tin là Thầy Tuệ Sĩ cùng Thượng toạ Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình, rồi đổi thành khổ sai chung thân. Từ đó AH không còn biết tin tức gì về Thầy nữa. Hôm nay bàng hoàng hay tin Thầy viên tịch, xin hoạ với anh VĐ một bài để tỏ lòng thành kính tri ân Thầy.

ĐAU XÓT TIẾC THƯƠNG THẦY TUỆ SĨ
 
ĐAU lòng khắp chốn ngập mùi nhang
XÓT ngả về Tây ánh đạo vàng
TIẾC nghiệp đương chừng qua khổ hải
THƯƠNG đời chưa độ vượt mê giang
THẦY rời dương thế ân ghi dạ
TUỆ phát chân tâm lệ nhỏ hàng
tiết muôn người truyền hậu đại
CƠM NHƯỜNG TÌNH NẶNG TIẾNG CÒN VANG

Ái Hoa

27 tháng 11, 2023

Phụ Nữ & Tánh Nói Nhiều


Phụ Nữ & Tánh Nói Nhiều
(Trào phúng)

Phụ nữ phần đông thích nói nhiều
Điều này ngó cảnh chẳng hề điêu
Cầm phôn.. pháo nổ đâu từ sớm
Gặp mặt.. loa vang mãi tới chiều
Hết cõi Đông Tây bàn chuyện hổ
Sang vùng Nam Bắc kể trò miêu
Mười nàng ngẫm chín như nhau cả
Đã tật xem ra khó kiếm liều

Việt Đường
(27/11/2023)

26 tháng 11, 2023

Răng Hành


Răng Hành
(Trào phúng, nhân ghé bệnh viện Pitié-Salpêtrière khám sáng qua)

Về già răng cỏ cũng theo khuôn
Hết mẻ rồi sưng ngẫm ngợi buồn
Cắn mạnh nghe ê hàm chực vỡ 
Nhai liều chết điếng lệ dường tuôn
Chờ phen khám kỹ lần manh mối
Sợ cảnh đè đau nói ngọn nguồn
Rảnh chắc tìm nơi trồng chúng lại
Không là chẳng có cái nào luôn

Việt Đường
(26/11/2023)

18 tháng 11, 2023

Sớm Thu


Sớm Thu

Ban mai bốn phía lặng như tờ
Cảnh vật bên ngoài ngó xác xơ
Lá rụng đầy hiên hiên trống vắng
Sương giăng mịt lối lối ơ hờ
Nhà bên cụm khói trườn hoang hoải
Nẻo trước con đường rũ ngáo ngơ
Một tiếng chim trời buông ảo não
Từ đâu vẳng lại cõi xa mờ

Việt Đường
(18/11/2023)

11 tháng 11, 2023

Đêm Ghé Quán Nghe Nhạc Xưa


Đêm Ghé Quán Nghe Nhạc Xưa

Quán nhạc, phòng trà ra tựa nấm
Canh trường ghé lại nghe còn thấm
Than sầu nữ khách giọng ngân xa
Trách bạc nam nhân lời vọng ấm
Lả lướt đàn tuôn sóng đại kình
Ầm ì trống vỗ thanh cuồng sấm
Khơi mềm nỗi nhớ bóng hình quê
Viễn xứ bao chiều luôn gặm nhấm

Việt Đường
(11/11/2023)

24 tháng 10, 2023

Chuyện Hợp Tan, nhạc và lời Quốc Dũng


Chuyện Hợp Tan
Nhạc và lời Quốc Dũng

Trình bày Việt Đường, tông Am (La thứ) : https://app.box.com/s/gvsrf0tvv8sl9l9h8092238769kpmgmz

Đêm nay lặng lẽ sương mù về giăng trên mảnh tình quê
Có ai để buồn chất chứa sơn khê
Có nhịp đàn lưu luyến.. con đường.. đê

Em ơi có hay.. khi nước mắt bây giờ đang rớt mau
Khi tiếng hát hôm nào.. thôi vút cao
Lòng bỗng thấy vương nặng.. bao nỗi.. sầu

Mai tôi rời bước.. quê nhà hành trang mang nặng niềm thương
Nhớ khi mình cùng thức trắng đêm sương
Nhớ điệu hò tha thiết.. bao sầu.. vương

Mai xa cách nhau.. thương những lúc đôi mình chia nỗi đau
Thương biết mấy ân tình ta đã trao
Cùng ước muốn cơn mộng.. thôi dãi.. dầu

[ĐK]
Vì đời.. còn những nhánh sông xa dần thác nguồn
Vì đời.. còn những bước chân miệt mài ngõ hoang
Để rồi mình ta.. âm thầm từng chiều vắng
Nghe tim mãi mơ màng.. chuyện hợp.. tan

Mai chia ngàn lối.. biết đời còn cho ta được ngày vui
Ước mơ lần về xoá nỗi đơn côi
Chúng mình lại thao thức.. bao buồn.. vui

Đêm nay tiễn đưa, giây phút cuối vẫn còn tay ấm tay
Mai sẽ thấm cơn lạnh khi gió lay
Và những lúc mưa gọi thương nhớ... đầy

(Trở lại ĐK và kết thúc)

23 tháng 10, 2023

Anh Vẫn Chờ Em Mặc Tháng Năm


Anh Vẫn Chờ Em Mặc Tháng Năm

Anh vẫn chờ em góc học đường
Như ngày tháng cũ dại khờ thương
Đăm đăm dõi bóng người qua lại
Để được nhìn ai bước đến trường

Anh vẫn yêu em mãi dạt dào
Yêu mà chẳng biết ngỏ làm sao
Yêu từ cái thuở đầu tiên chạm
Ánh mắt ai kia quá ngọt ngào

Anh vẫn yêu hoài những phút giây
Em ôm cặp sách vóc hao gầy
Chào anh nhoẻn miệng cười duyên dáng
Để lúc anh về nhớ đắm say

Anh vẫn ngồi đây mỗi buổi chiều
Khi trời nhạt nắng đổ liêu xiêu
Và mơ được có em ngồi cạnh
Được nắm tay ai kể đủ điều

Anh vẫn chờ em vẫn ngóng trông
Như trăng chờ gió lượn trên đồng
Như cây chờ nước ngày khô hạn
Bởi đã yêu rồi có biết không?

Việt Đường
(23/10/2023)

22 tháng 10, 2023

Hỏi


Hỏi

Hỏi con chim én vóc hao gầy 
Đã mấy xuân rồi lượn cánh bay
Vất vả muôn phương tìm tổ ấm 
Từ khi rứt ruột phải xa bầy?

Hỏi con kiến nhỏ góc ven đường
Hì hục tha đầy mặc gió sương
Đã mấy hè sang luôn cật lực
Leo sân vượt ngách hoặc băng tường?

Hỏi con nhện chúa thích giăng tơ
Mỗi lúc canh khuya bóng phủ mờ
Đã mấy thu vàng chưa thấm mệt
Mưa cuồng bão nổi vẫn ngu ngơ?

Hỏi người lữ khách gót bôn ba
Đã mấy mùa đông biệt nước nhà
Thao thức nhiều đêm nằm nhớ mẹ
Ngày nào trở lại viếng trời xa?

Việt Đường
(22/10/2023)