Lão đệ TH thân mến,
“Câu đối nghệ thuật” chẳng khác nào một bàn “cờ thế giang hồ”, do các kỳ thủ sắp xếp bên vệ đường, hè phố mời khách qua đường dừng chân giải phá.
Thoạt nhìn thì bàn cờ thế nào thấy cũng đơn giản (chỉ có vài quân), tưởng chừng dễ phá (có thể phá được chỉ sau vài nước đi). Nhưng khi tham gia vào ván cờ, hầu như mình đi nước nào, chơi cách gì cũng … THUA. Đó là cái TINH TẾ của bàn cờ thế.
Câu đối nghệ thuật cũng vậy. Những câu như “DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH” của Bà Điểm chẳng hạn, đã được coi như những câu TỬ ĐỐI (Câu đối chết, câu đối không thể phá giải).
Gần đây, có một bạn đem một cuộc thi giải đối trên một thi đàn nào đó (tôi quên mất tên) ra hỏi tôi thấy sao? Cuộc thi ấy ra đề là KÝ GIẢ KÝ THIỆT. Chỉ có 4 chữ. Ban Giám khảo cuộc thi đó chấm
- Giải nhất : HÀNH QUÂN HÀNH DÂN
- Giải nhì : ĂN MÀY ĂN TAO
Bạn hỏi tôi thấy sao? Tôi ngần ngừ mãi không muốn nói, sau nể bạn buộc phải cho biết ý kiến: Hai giải ấy đều xuất sắc về mặt ý tưởng. Nhưng chỉ đáng nhận GIẢI KHUYẾN KHÍCH mà thôi. Không nên trao giải nhất hay giải nhì. Vì lẽ không đối về từ loại, và những chỗ HÁN & NÔM còn phạm quy.
KÝ GIẢ là danh từ kép Hán Việt chỉ người, tiếp theo là động từ KÝ tiếng Nôm, và trạng từ THIỆT tiếng Nôm.
Trong khi đó HÀNH QUÂN là động từ (nghĩa : chuyển quân từ nơi này đến chỗ khác để phục vụ một mục đích quân sự nào đó). Chữ HÀNH sau là động từ (nghĩa : hành hạ, hành tội, đày đọa), còn DÂN là danh từ
ĂN MÀY (hiểu ngầm KẺ ĂN MÀY) là danh từ thuần Nôm, nếu không hiểu ngầm chữ KẺ thì là động từ ăn mày, ăn xin (=BEG). Chữ ĂN sau là động từ Nôm, còn TAO là nhân vật đại danh từ (MÀY, TAO, MI, TỚ) dùng thay cho danh từ.
Tóm lại, vì không đối về từ loại và phạm trù Hán-Nôm, nên cả 2 câu đáp trên đều chỉ đáng nhận giải khuyến khích mà thôi
Tôi kể ra câu chuyện ấy, để các bạn thấy giải phá câu đối nghệ thuật là cả một vấn đề khó khăn, đôi khi nan giải. Thậm chí vài trăm năm sau cũng không dễ gì có người phá được.
Và chơi câu đối luôn NHỨC ĐẦU lắm. Một người sức khỏe bình thường chơi câu đối còn thấy NÁT ÓC. Huống chi tôi là một người đang lâm trọng bệnh… Không thể kéo dài mãi được. Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn Thiên Hùng ạ. Vui chơi như thế cũng đã ĐỦ RỒI. Cũng đến lúc anh em mình phải TẠM CHIA TAY thôi. Lần sau, nếu gặp lại trên thi đàn này hoặc một thi đàn nào khác, có lẽ Thiên Hùng lão đệ sẽ vượt qua tôi xa lắc đó, lão đệ ạ.
HSN TẠM BIỆT
Nguyên huynh thân mến,
Theo ghi chép của VĐ còn lưu lại trên blog của mình thì đề thi đưa ra là "ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT" chớ không phải là "KÝ GIẢ KÝ THIỆT" như ai đó đã đem đăng trên thi đàn nọ đâu.
Dưới đây là phần ghi chép của VĐ trên blog NĐTT (LTĐQB, người viết trích lược dưới đây chính là bác Ma Nữ của diễn đàn chúng ta) :
---
Kính thưa quý bạn vui câu đối,
Vừa nói truyện với chị NB, chị có kể là trong tờ báo Con Ong Texas có vế đối lại câu : "Cô Hồng cởi áo cô Hồng trần" bằng vế "Cậu Bạch vén quần cậu Bạch đái" xin ngài ngự phê thử coi sao. Thêm vào nữa câu đối về Cô Hồng dường như đã cạn ý nên LTĐQB tôi xin góp thêm vui với một vế xuất từng gây sôi nổi trên tờ MÁI ẤM GIA ĐÌNH của nữ luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG DIỆP. Cuộc thi vui này nhờ cụ ĐÀO HỮU DƯƠNG, một cuốn tự điển sống đứng ra làm người chấm giải :
XUẤT : ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT
ĐỐI 1 : HÀNH QUÂN HÀNH DÂN (giải nhứt)
ĐỐI 2 : ĂN MÀY ĂN TAO (giải nhì)
Vì trong xứ mù tên chột làm vua, hai giải trúng đó lại do cùng một người ngáp ruồi được cả. Có lẽ tại hồi đó ít người dự thi vui nên anh chàng kia ngáp được con ruồi bự. Có một vị nữ lưu đối là THÁNH HIỀN THÁNH DỮ và NHỨT ĐỊNH LÀ CÂU CỦA CÔ ĐÓ HAY HƠN vì cô là đệ tử đích danh của thầy Thanh Lãng ở Văn Khoa và đe là sẽ tìm cho ra nguyên nhân vì đâu cụ Đào Hữu Dương tư vị hai câu trúng giải. Cho tới lúc nhà văn Nguyễn Khánh Do vạch cho cô rõ là câu của cô thất luật bằng trắc cô mới chịu im.
Đưa giai thoại này lên chỉ cốt mua vui, Lạc Thủy tôi không có ý gì khác xin quý bạn cùng thử họa cho vui
Trân trọng
LTĐQB
@
Kính góp vui :
XUẤT : ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT ! [Khuyết Danh]
ĐỐI : CƯƠNG THƯỜNG CƯƠNG GHÊ ! [Việt Đường (10/10/2005)]
@
Anh Việt Đường mến,
Từ hồi biết câu "Độc Giả, Độc Thiệt" tử đối cách đây mấy chục năm, từ trước 75 kìa thì đây là lần đầu tiên tôi thấy câu "Cương Thường, Cương Ghê" của anh tương đối gần chỉnh nhất ! Khâm phục ! Chắc bác TQ chi cũng có lời khen !
Thân,
Hoàng
Tiểu đệ vào đọc lời của mấy lão huynh mà cảm xúc dâng trào, tiểu đệ cũng mới tham gia vào diễn đàn này, gặp được mấy lão huynh âu cũng là duyên số! "Hữu duyên thiên lý năng tương hội", tuy mới gặp nhưng cảm giác như rất thân thiết, mong các huynh dồi dào sức khỏe để vui với các lớp đàn em! Tiểu đệ tài hèn, sức mọn, chỉ mong đối ra các lão huynh không cười chê là mừng rồi!
Nay lão huynh HSN vì lí do sức khỏe mà giã từ anh em, tiểu đệ thấy hụt hẫng vô cùng, tiểu đệ không biết an ủi thế nào? Thôi thì đối tạm một câu, mong lão huynh vào chỉ bảo cho tiểu đệ thì tiểu đệ đã vui lắm rồi! Chúc huynh sức khỏe dồi dào nha Nguyên huynh!
ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT
HIỀN NHÂN HIỀN KINH
Đinh Tà
hihihiii tổng hợp 2 câu của anh VĐ & ĐT ...
ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT (?)
KINH THÀNH KINH GHÊ
Thiên Hùng
Một lời nói ấy của Đinh Tà, tôi sao dám phụ lòng. Xin nói thêm đôi câu:
1- Trước hết xin nói với anh Việt Đường : Cám ơn anh đã cho biết chính xác về câu đối và cuộc thi ấy… ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT rõ ràng là khó hơn KÝ GIẢ KÝ THIỆT rất nhiều. Vì riêng chữ KÝ là động từ, phạm vi xoay sở rộng hơn chữ ĐỘC sau. Đó là một tính từ (adjective). Kinh nghiệm chơi câu đối cho thấy những tính từ hoặc trạng từ NÔM quái ác luôn rất khó đối
2- Phân tích chi tiết câu đối ĐỘC GIẢ ĐỘC THIỆT
- Hai chữ đầu ĐỘC GIẢ là danh từ Hán Việt (Độc : Đọc, Giả : Người, Độc Giả : Người đọc sách, đọc báo), cả hai chữ cùng là thanh trắc. Sẽ đòi hỏi trong câu đáp một từ Hán Việt 2 chữ cùng thanh bằng (nếu tìm được danh từ chỉ người, và chỉ luôn nghề nghiệp hoặc việc người ấy đang thực hiện sẽ là tốt nhất. Bằng không thì danh từ chỉ vật, đồ vật, khái niệm cũng cho là được).
- Hai chữ sau ĐỘC THIỆT là 2 tiếng Nôm nghĩa như là HAY THIỆT, DỮ THIỆT, QUÁI THẬT, GIỎI THẬT! Và tồn tại như một tiếng HÔ THÁN diễn tả một lời KHEN NGỢI, CA TỤNG
- Hai chữ sau hiện diện như một mảng trượt TỊNH TIẾN của 2 chữ trước, ĐỒNG DẠNG ở 2 chữ ĐỘC, nhưng phải là 2 chữ ĐỘC có 2 nghĩa KHÁC BIỆT (Đọc và Độc). Nếu 2 chữ ĐỘC cùng một nghĩa sẽ là KHÔNG ĐẠT.
- Điểm khó nữa là phải có sự đối lập về nghĩa ở cặp từ GIẢ-THIỆT
3- Xét trên những tiêu chuẩn đó thì những câu đáp Thánh Hiền, Thánh Dữ - Ăn Mày Ăn Tao - Hành Quân Hành Dân rất đáng bị loại, còn nếu cho đoạt giải thì chỉ nên cho giải khuyến khích mà thôi.
- Câu đáp của Đinh Tà, HIỀN NHÂN HIỀN KINH, mới nghe tưởng là rất hay, nhưng KINH và NHÂN không đối lập về nghĩa như GIẢ THIỆT
- Câu đáp của đệ Thiên Hùng KINH THÀNH KINH GHÊ, cũng vậy, mới xem thấy … QUÁ TUYỆT. Nhìn lại thì THÀNH và GHÊ cũng không kg phải là một cặp từ đối lập về nghĩa như GIẢ và THIỆT
Do đó chưa giải được bàn cờ thế mà đã mất hết XE rồi.
4- Riêng câu đáp của anh Việt Đường, đúng như bạn Hoàng nào đó đã nói, là câu đáp TIỆM CẬN nhất với sự HOÀN CHỈNH. CƯƠNG THƯỜNG CƯƠNG GHÊ!
- Chữ Cương đầu (= CANG) nghĩa là giềng mối (Tam Cương Ngũ Thường). Chữ Cương sau là tiếng Nôm với nghĩa CỨNG, CỨNG RẮN.
- THƯỜNG (bình thường, trung bình thôi), GHÊ (chỉ trạng thái vượt trội lên, hơn hẳn bình thường). Cặp từ này chính là MẤU CHỐT của câu đáp.
Điều đáng tiếc duy nhất CƯƠNG THƯỜNG là danh từ chỉ một khái niệm Triết học, chứ không phải là một danh từ cụ thể chỉ người, chỉ nghề nghiệp, hoặc chỉ việc đang làm như hai chữ ĐỘC GIẢ. Nói câu đáp của anh Việt Đường TIỆM CẬN với sự HOÀN CHỈNH là vì thế. Dù sao, câu đáp này vẫn là câu đáp ĐÚNG NHẤT, HAY NHẤT cho đến thời điểm này, các bạn ạ.
HSN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét