21 tháng 7, 2011

Thi Điếu Trung Trướng Nguyễn Chánh Thi


Thi Điếu
Trung Trướng Nguyễn Chánh Thi

Nghiêng chao trước gió ngọn hoàng kỳ
Như muốn tiễn chào Nguyễn Chánh Thi
Dũng tướng Quốc Gia vừa giã biệt
Hung thần Cộng Sản mới ra đi
"Một Trời Tâm Sự" (1) nhoà tan biến
"Nửa Kiếp Lưu Vong" (2) vụt thoát ly
Thành kính chúc Người xuôi vĩnh cửu
Cõi Hằng tịnh lạc cỡi vân quy

Việt Đường
(25/06/2007)

(1) tên 1 tác phẩm của cố trung tướng Nguyễn Chánh Thi
(2) Sau biến động miền Trung năm 1966, ông bị buộc rời Việt Nam sống lưu vong tại Hoa Kỳ (lúc vào khoảng 43 tuổi)


Nguyễn Chánh Thi

Nguyễn Chánh Thi (23 tháng 2 năm 1923–23 tháng 6 năm 2007) là cựu Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người được tạp chí Times gọi là "chuyên gia đảo chính", bởi ông được xem là sĩ quan quân đội dính líu đến nhiều cuộc đảo chính và phản đảo chính nhất trong lịch sử tồn tại của Việt Nam Cộng hòa.

Tiểu sử

Ông xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 1 tháng 9 năm 1956, Trung tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí trong chức vụ Chỉ huy trưởng Liên đoàn Nhảy Dù. Ngày 26 tháng 9 năn 1959 liên đoàn được nâng cấp và cải danh thành Lữ đoàn Dù.

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi tham gia cuộc biến động quân sự đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng một số sĩ quan khác như Trung tá Vuơng văn Đông, Thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng. Cuộc binh biến thất bại ông cùng một số sĩ quan cầm đầu dùng phi cơ bay sang Campuchia lánh nạn.

Sau ngày 1 tháng 11 năm 1963 ông về nước và được cử làm Tư lệnh phó Quân đoàn 1, Quân khu 1 cho Trung tuớng Nguyễn Khánh, sau đó chuyển sang làm tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh. Ông thăng cấp chuẩn tướng năm 1964, lên thiếu tuớng cùng năm và về làm tư lệnh Quân đoàn 1, Quân khu 1 rồi thăng cấp trung tướng năm 1965.

Sau biến động miền Trung năm 1966, ông bị buộc rời Việt Nam sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Ông qua đời lúc 6 giờ 42 phút chiều thứ Bảy ngày 23 tháng 6 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) tại Lancaster, Pennsylvania, thọ 84 tuổi (theo wikipédia)

20 tháng 7, 2011

Công Lao Cha Mẹ, Bổn Phận Làm Con

Công Lao Cha Mẹ,
Bổn Phận Làm Con

Lớn nhờ nước mắt trộn mồ hôi
Của mẹ cha ta đánh đổi đời
Tấm áo dầm sương pha gió lốc
Bát cơm dãi nắng thấm mưa rơi
Nên khi tại thế cần xem trọng
Hoặc lúc lìa trần chớ bỏ lơi
Bổn phận làm con là báo đáp
Công lao dưỡng dục ví như trời

Việt Đường
(24/06/2007)

Hạ Cảm

Hạ Cảm

Hạ biếc đang về chốn viễn phương
Khơi hồn nhớ nước cảnh vô thường
Ve sầu rộn rã thi ngân tiếng
Phượng vỹ im lìm lặng gởi hương
Nắng trải vàng hanh từng kẽ lá
Hoa giăng đỏ ối mỗi ven đường
Thầm mơ một thoáng xuôi dòng cũ
Giẫm bước yên bình nẻo mến thương

Việt Đường
(22/06/2007)

Diễm Mộng Chưa Phai

Diễm Mộng Chưa Phai

Cánh cửa tình duyên đã khép rồi
Sao hồn năm tháng mãi chưa thôi
Ngân nga thánh thót cung đàn huyễn
Giục giã mênh mang nhịp trống hồi
Hội ngộ mơ lần đan chiếc bóng
Tương phùng ước buổi quyện làn môi
Hôn ai cháy bỏng trao sầu nhớ
Từ thuở keo sơn mộng đắp bồi

Việt Đường
(20/06/2007)

Mưa Hạ Ngày Xưa

Mưa Hạ Ngày Xưa

Mưa hè tí tách giọt ngàn rơi
Gợi nhớ nao nao buổi thiếu thời
Vỉa phố tạt lon phen chạy nhảy
Lề đường đá bóng dạo rong chơi
Lê la cuối xóm không hàng chợ
Xúm xít đầu thôn chẳng dáng người
Độ ấy hồn nhiên vui thú nhỉ
Nay sầu lai láng mộng đầy vơi

Việt Đường
(18/06/2007)

Lễ Từ Phụ 2007

Lễ Từ Phụ 2007

Hôm nay Từ Phụ nhớ cha già
Cách biệt muôn trùng vạn nẻo xa
Nghĩa trọng ngày sang luôn khắc giữ
Tình thâm tháng đến chẳng phai nhoà
Vì con mấy thuở dành hăng hái
Với nước nửa đời dốc thiết tha
"Phụng dưỡng" chờ khi đền trả hiếu
Xương tan thịt nát dẫu chăng là

Việt Đường
(17/06/2007, Fête des pères)

19 tháng 7, 2011

Phó Mặc Dòng Trôi


Phó Mặc Dòng Trôi

Ta đã trao em nghìn câu ân ái
Em đáp lại ta thương nhớ tận cùng
Mình tặng cho nhau hương lòng trầm ngải
Và cả trăng sầu, mưa lệ rưng rưng

Ta giận mệnh duyên, bỏ thơ, lang bạt
Tìm nơi tịnh hồn, ngả giấc lãng quên
Em níu hồn ta lời hoa, tiếng mật
Rạn nứt tâm thiền, vỡ nát bình yên

Về với nhau chăng hay xa vĩnh viễn ?
Mỗi lựa chọn nào cũng trả đau thương
Biết đâu cuồng tâm, đâu là thánh thiện
Khi tình đảo điên một ngả ba đường ?

Giữa tỉnh giữa say, giữa đi giữa ở
Ta mãi phân vân bước tiến bước lùi
Giữa bờ ăn năn, giữa dòng bỡ ngỡ
Đành phó cuộc đời theo sóng nổi trôi ..

Việt Đường
(15/06/2007)

Huế Trong Tiềm Thức, Trong Nón Mạ Chằm


Huế Trong Tiềm Thức,
Trong Nón Mạ Chằm

Thấm thoát mà rồi đã tám năm (*)
Tám năm đằng đẳng chửa về thăm
Sông Hương lờ lững trôi dòng biếc
Núi Ngự chon von vắt nguyệt rằm
Vỹ Dạ hiền hoà chen thấp thoáng
Hải Vân dũng mãnh uốn xa xăm
Còn in tiềm thức từng đường nét
Như nón bài thơ thuở mạ chằm

Việt Đường
(14/06/2007)

(*) 1999-2007

Chào thăm quý anh chị, chúc vui khỏe
Thưa anh Việt Đường, bài này của anh quả khó họa. Mong vui, Hà cố gắng.

Nhắn Bác Việt Đường

Xa Huế nhẩm ra mấy chục năm
Từ ngày mất nước dịp mô thăm
Phủ Cam muốn viếng ngay mùa lễ (*)
Linh Mụ mong thăm đúng dịp rằm (**)
Để cảm xưa xa đầy hạnh phúc
Và thương hiện tại quá xa xăm
Bác về kỳ tới cho đây biết
Mua giúp mê xưa mạ đã chằm

Từ Thanh Hà, 17-11-07

(*) Giáng Sinh
(**) Phật Đản

Chị hứa

Chị em cách biệt đã nhiều năm
Mong thấy em về để chị thăm
Sống lại tuổi thơ bên giậu trúc
Ôn về thuở trẻ dưới trăng rằm
Nguyên tiêu tới Miếu cầu bùa thánh
Phật Đản vào Chùa xin quẻ xăm
Xưa nón bài thơ em vốn thích
Rồi đây chị hứa sẽ lo chằm

Trần thị Lý


Sầu Khúc Trăm Năm

Sầu Khúc Trăm Năm

Sầu khúc trăm năm mãi vọng về
Khi trầm lúc bổng nốt đam mê
Ngày lên khắc khoải lan muôn hướng
Đêm xuống chơi vơi động tứ bề
Nắng đổ càng nồng âm diệu vợi
Mưa tràn thêm đắng điệu lê thê
Lòng ta ai dạo mềm cung nhớ
Trên phím thời gian lướt não nề

Việt Đường
(13/06/2007)

Ước Đời Có Em

Ước Đời Có Em

Ước gì em mãi thuộc về anh
Để những canh thâu thức trở mình
Siết nhẹ bờ vai hương dịu ngát
Hôn mềm suối tóc lọn dài xinh
Say sưa đắm giữa thiên đàng mộng
Mê mải bơi trong thế giới tình
Được bóng ai kề là tất cả
Thăng trầm giúp vượt nẻo phù sinh

Việt Đường
(13/06/2007)