22 tháng 7, 2011

Vu Lan Kính Mẹ Dặm Ngàn


Vu Lan Kính Mẹ Dặm Ngàn

Nguyệt vàng chênh chếch
Rụng xuống hồ ao
Khuấy động nỗi sầu
Trong tôi thức giấc

Mưa khuya lất phất
Như cũng tán đồng
Rải khắp hư không
Giọt buồn vời vợi

Bao xuân ngóng đợi
Một buổi sum vầy
Dù chỉ phút giây
Được nhìn thấy Mẹ

Nhưng đời dâu bể
Dường đã phụ người
Nên mãi dòng trôi
Chưa ngày dừng lại

Nhớ xưa thơ dại
Từng lúc ốm đau
Mệt mỏi, buồn rầu
Mẹ hằng bên cạnh

Giờ đây canh cánh
Nặng trĩu đơn côi
Mà Mẹ đâu rồi
Bóng tìm không thấy ?

Lệ nhòa trang giấy
Bút vẫy rưng rưng
Hoà với muôn trùng
Tiếng than vô vọng

Mẹ là sự sống
Đức Phật chở che
Mỗi bước đi về
Đường trần xuôi ngược

Ước chi con được
Ôm Mẹ một lần
Nói tiếng tri ân
Từ lâu ấp ủ

Canh dài mất ngủ
Nhớ Mẹ khôn cùng
Mẹ có hay không
Lời con thống hối ?

Bài thơ viết vội
Đêm lễ Vu Lan
Kính Mẹ dặm ngàn
Tình con bất diệt !

(Sương đêm như tuyết
Lãng đãng hàng cây
Ngỡ dáng Mẹ gầy
Về nghe con trẻ ..)

Việt Đường
(27/08/2007 - Mùa lễ Vu Lan 2007)

Vạn Cánh Hoa Không Qua Một Tấm Lòng

Hoa dù vạn đoá kính Vu Lan
Khó sánh lòng son trẻ hiến bằng

Vạn Cánh Hoa
Không Qua Một Tấm Lòng

Ngàn hoa cẩm chướng vạn hoa hồng
Khó sánh người ơi một tấm lòng
Nặng trĩu dâng cha khi chuyển hạ
Vun đầy gửi mẹ lúc vào đông
Siêng coi sóc ghé đêm nằm viện
Giỏi chạy lo thăm buổi xuất phòng
Chớ đợi Vu Lan rồi báo đáp
Nghĩa tình dưỡng dục vốn mênh mông

Việt Đường
(23/08/2007)

Tình Sầu

Tình Sầu

Từ độ xa nhau đã mấy lần
Đêm về nỗi nhớ đoạ đày thân
Xói mòn tâm tưởng bao thề hứa
Rằng mãi chung đôi dệt mộng trần

Thuở ấy tình mình tựa đoá hoa
Thơm nồng khoe sắc giữa phong ba
Xinh tươi dấu ái làm ngơ ngẩn
Năm tháng thoi đưa vẫn mượt mà

Rồi.. tình tan vỡ một ngày nao
Để phía đau thương phía nghẹn ngào
Những cánh thơ hồng trao ước hẹn
Trôi dòng mờ khuất tựa chiêm bao

Mệnh số trách trời tạo éo le
Cau trầu chẳng kết chỉ không xe
Đôi đàng tan vỡ thề duyên nợ
Sầu lụy trăm năm phủ lối về

Việt Đường
(22/08/2007)

Nuối Tiếc Hương Xưa

Nuối Tiếc Hương Xưa

Hạnh phúc ngờ đâu bỗng một ngày
Theo làn gió cuốn mịt mờ bay
Hoa tàn nhụy rữa sầu ray rứt
Ngọc vỡ trăng lu thảm miệt mài
Đếm bước đìu hiu từng sớm lạnh
Soi mình quạnh quẽ mỗi chiều phai
Mà thương mà xót hương tình cũ
Bao thuở đê mê quyện gót hài

Việt Đường
(04/08/2007)

Hỡi Người Tình


Hỡi Người Tình

Hỡi người tình nhỏ của anh ơi
Giữ nhé yêu thương cả một đời
Dẫu núi ngăn đường sông chắn ngõ
Vẫn yêu anh nhé chỉ anh thôi

Hỡi người tình mộng của lòng anh
Đẹp tựa thu vàng, bức thủy tranh
Hương lúa mạ non mùa gặt hái
Ru anh giấc đẹp của quê mình

Hỡi người đức hạnh kẻ tài hoa
Thơ đã vì em chảy thiết tha
Tình đã vì em cuồng sóng nổi
Nhớ thương ngày tháng chẳng phai nhoà

Hỡi duyên ngọc đá nợ vàng thau
Mệnh số đẩy đưa ta gặp nhau
Dẫu chẳng trăm năm tròn thệ ước
Nguyện yêu em mãi đến ngàn sau

Việt Đường
(24/07/2007)

Bên Đời Quạnh Hiu


Bên Đời Quạnh Hiu

Buồn ta như mây
Mênh mông tháng ngày
Nổi trôi muôn hướng
Mịt mùng, cuồng quay

Buồn ta lang thang
Xoải cánh bạt ngàn
Lời chim vỡ tổ
Tiếng gió đi hoang

Nỗi buồn cô đơn
Ở chiều hoàng hôn
Những ngày mưa đổ
Trời dầm tuyết sương

Nỗi buồn không em
Vật vờ oan khiên
Canh trường khản tiếng
Vô thường gọi tên

Bao dòng tâm thơ
Một thời bơ vơ
Nồng nàn ấp ủ
Đã tàn mộng mơ

Giờ còn đơn phương
Chiếc bóng lạnh lùng
Ngả nghiêng phó thác
Trăm ngọn đông phong

Mai đời qua mau
Bỏ lại hư hao
Bên lề hiu quạnh
Cội buồn xanh xao

Việt Đường
(06/07/2007)

21 tháng 7, 2011

Có Ai ..


Có Ai ..

Ai bán dùm tôi nửa nụ cười
Để tôi mua lấy đổi làm vui
Hờ quên đau xót và trăn trở
Mà đã bao phen dấy cuộc đời

Ai sẻ cho tôi chút ái tình
Để khi đêm khuất lại bình minh
Mưa vừa dứt hạt thì thơm nắng
Khắng khít nhau như bóng với hình

Ai trỏ dùm tôi một hướng đi
Không còn ranh giới dấu phân ly
Để ngày khắc khoải tôi tìm đến
Đất mẹ ôm hôn thoả nhớ về

Ai gửi tặng tôi phép nhiệm mầu
Để tôi đốt cháy nỗi hanh hao
Trong tôi thao thức hoài chưa ngủ
Từ độ cô đơn chịu dãi dầu

Việt Đường
(29/06/2007)

Nhiệt Huyết Gửi Quê Hương

Nhiệt Huyết Gửi Quê Hương

"Vị Quốc Vong Thân" đúc ước ao
Noi gương thuở trước vạn anh hào
Sa trường lẫm liệt vung gươm sắt
Chiến trận hiên ngang dốc máu đào
Đuổi giặc trừ đi bao khốn đốn
Phò dân xoá sạch những lao đao
Ghi trang sử đẹp cho sông núi
Dẫu phải dầu sôi lửa bỏng vào

Việt Đường
(27/06/2007)

Thơ Tôi

Thơ Tôi

Thơ cuộn trong hồn chảy giữa tim
Khi tuôn ào ạt lúc im lìm
Sinh tình bổ mạnh như đường kiếm
Tức cảnh vung đều tựa nhát kim
Kể đắng ưu tư thân bảy nổi
Bày đau khắc khoải phận ba chìm
Về đời, đất nước cùng duyên nợ
Chao đảo muôn trùng lượn cánh chim

Việt Đường
(27/06/2007)

Thi Điếu Trung Trướng Nguyễn Chánh Thi


Thi Điếu
Trung Trướng Nguyễn Chánh Thi

Nghiêng chao trước gió ngọn hoàng kỳ
Như muốn tiễn chào Nguyễn Chánh Thi
Dũng tướng Quốc Gia vừa giã biệt
Hung thần Cộng Sản mới ra đi
"Một Trời Tâm Sự" (1) nhoà tan biến
"Nửa Kiếp Lưu Vong" (2) vụt thoát ly
Thành kính chúc Người xuôi vĩnh cửu
Cõi Hằng tịnh lạc cỡi vân quy

Việt Đường
(25/06/2007)

(1) tên 1 tác phẩm của cố trung tướng Nguyễn Chánh Thi
(2) Sau biến động miền Trung năm 1966, ông bị buộc rời Việt Nam sống lưu vong tại Hoa Kỳ (lúc vào khoảng 43 tuổi)


Nguyễn Chánh Thi

Nguyễn Chánh Thi (23 tháng 2 năm 1923–23 tháng 6 năm 2007) là cựu Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người được tạp chí Times gọi là "chuyên gia đảo chính", bởi ông được xem là sĩ quan quân đội dính líu đến nhiều cuộc đảo chính và phản đảo chính nhất trong lịch sử tồn tại của Việt Nam Cộng hòa.

Tiểu sử

Ông xuất thân từ binh chủng Nhảy Dù trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 1 tháng 9 năm 1956, Trung tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại tá Đỗ Cao Trí trong chức vụ Chỉ huy trưởng Liên đoàn Nhảy Dù. Ngày 26 tháng 9 năn 1959 liên đoàn được nâng cấp và cải danh thành Lữ đoàn Dù.

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi tham gia cuộc biến động quân sự đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng một số sĩ quan khác như Trung tá Vuơng văn Đông, Thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng. Cuộc binh biến thất bại ông cùng một số sĩ quan cầm đầu dùng phi cơ bay sang Campuchia lánh nạn.

Sau ngày 1 tháng 11 năm 1963 ông về nước và được cử làm Tư lệnh phó Quân đoàn 1, Quân khu 1 cho Trung tuớng Nguyễn Khánh, sau đó chuyển sang làm tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh. Ông thăng cấp chuẩn tướng năm 1964, lên thiếu tuớng cùng năm và về làm tư lệnh Quân đoàn 1, Quân khu 1 rồi thăng cấp trung tướng năm 1965.

Sau biến động miền Trung năm 1966, ông bị buộc rời Việt Nam sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Ông qua đời lúc 6 giờ 42 phút chiều thứ Bảy ngày 23 tháng 6 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) tại Lancaster, Pennsylvania, thọ 84 tuổi (theo wikipédia)