Thơ chết
Thơ đường bỗng chốc ngủm cù đeo
Bởi thế năm nay trúng số nghèo
Một chữ cầu trời ông giả kiết
Đôi vần khấn bụt lão vờ keo
Mực vơi nửa lọ câu nào đến
Bút gãy dăm ngòi ý chẳng theo
Chắc phải về vườn chăn ngỗng vịt
Văn chương kệ chúng trốn bay vèo.
Yên Hà
Thơ muốn hồi sinh..
(họa vui)
Huynh Đường xướng họa tháng ngày đeo
Rứa lại còn than vận ý nghèo !
Ước nổi.. dâng gà xin giúp thuốc
Mơ phình.. cúng ngỗng tặng cho keo
Vài giây nhớ đợi văn chương ngấm
Ít phút khuyên chờ chữ nghĩa theo
Đúng cữ là thơ bừng chắp cánh
Trời cao lộng gió vút lên vèo !
Việt Đường
(03/07/2009)
Thấy đề tài thơ lạ quá, MT xin phép Yên Hà cho gửi bài hoạ chơi nhé!
NGHIỆN THƠ
Sớm tối tình thơ vương vấn đeo.
Đôi khi ngơ ngẩn, ý văn nghèo.
Ngó mây tìm chữ, mây hờ hững,
Đợi nắng khơi nguồn, nắng kiết keo.
Giữ luật, loay hoay câu đối gượng,
Gieo vần, lượng sượng tiếng ồn theo.
Lỡ yêu từ thuở, nay thành nghiện,
Hồn vịn diều bay, gió cuốn vèo...
Minh Tâm
Chào thăm chư liệt vị.
Chúc vui khỏe đầu tuần.
Xin phép thi sĩ Yên Hà và anh Việt Đường cho Từ thanh Hà góp họa vui. Có chi chẳng phải bổ khuyết dùm. Kính
Thơ Đường Vẫn Sống
Ai chứ riêng đây vẫn khoái đeo
Tám câu bẩy chữ dẫu hơi nghèo
Nhưng không vì thế mà nhàm chán
Cũng chẳng do đây đến kiết keo
Nghèo khiến đam mê tìm ý xướng
Ngắn khơi thích thú họa vẩn theo
Yên Hà (*) chắc bác lo xa đấy
"Mây Gió" như anh khó thổi vèo !
(*) Xin thi sĩ Yên Hà cho phép được gọi bằng anh.
Từ Thanh Hà. 5-7-09
Thơ Tràn Giấc Mộng
(Thơ Yên Hà– Du Sơn Lãng Tử kính họa)
Lãng Tử xa nhà, chí vẫn đeo,
Thơ say bầu rượu, bút hoa nghèo.
Chu du tứ hải, vần thơ quyện,
Xướng họa bạn bè, vận tứ keo.
Thi sĩ vương tình, tình mãi thắm,
Duyên thơ luyến cảnh, cảnh hoài theo.
Ðỗ-Quyên nhớ nước, tim rung cảm,
Một giấc nam kha, mộng vút vèo...
Du Sơn Lãng Tử
(6/7/2009)
Tiếp theo xin họa bài THƠ MUỐN HỒI SINH ...của Việt Đường
VẪN HAM ĐEO
Thơ đường, thơ muối vẫn ham đeo
Tiền bạc dù thua, ý chẳng nghèo
Bát cú ham làm ta chấp bút
Thất ngôn thích viết tớ xin keo ...
Lời hay tự điển lôi ra kiếm
Tứ lạ ti vi lấy xuống theo
May quá hôm nay máy đã tốt
Làm vài đoạn tếu phóng vèo vèo
LTĐQB
Thái-Dương Thành, JUL-06-09
Thấy thi phẩm "THƠ CHẾT" :
Hay thì quả thật là hay,
Vội-vàng xuống bút họa 2, 3 vần :
Hai đôi “Trạng-Luận” nặng vai đeo,
56 chữ nguyên vốn liếng nghèo.
Gượng-gạo vay lời thành kẻ kiệt,
Mù-mờ mượn ý hóa người keo.
Thất ngôn kém-cỏi sai niêm giữ,
Bát cú thông-minh đúng luật theo.
Đâu thuở vàng son “Đường thị” thịnh,
Tao-nhân thi hứng thả vèo vèo ?
TDT, JUL-06-09
Ngô-Phủ
Thấy bác Ngô Phủ xuống tay,
Bỗng dưng hứng bút múa may vài đường :
THƠ KHÔNG CHẾT
Cái nghiệp văn chương lắm kẻ đeo
Lòng chai óc cỗi hoá ra nghèo
Gieo vần trật vuột đầu trơn tóc
Nặn chữ cùn mằn túi dính keo
Chẳng hứng thú chi còn bám lấy
Không đam mê nữa vẫn mò theo
Đường thi tuyệt diệu bao giờ chết
Chỉ có hồn thơ lá rụng vèo !
Thiên Tâm
7-7-2009
YH xin nhờ anh VĐ gởi lời cám ơn đến tất cả các anh chị đã bỏ công viết cùng YH, nghe anh TTH gọi YH bằng anh trong bài thơ họa, YH hoảng hồn, tưởng mình bị gì rồi...? Để đáp lễ, YH viết thêm bài nữa, đúng là khó, muốn bỏ luôn thơ!
Bỏ thơ
Nguồn thơ cạn kiệt dám nào đeo
Lại sợ thi nhân chế giễu nghèo
Tứ chảy khô khan tình ráo nhựa
Câu khơi lạt lẽo ý mòn keo
Chữ mờ nhạt chữ im người đáp
Vần tối tăm vần vắng kẻ theo
Bát cú thất ngôn đành giã biệt
Mặc cho gió thổi cuốn đi vèo.
Yên Hà
BẠN ƠI, SAO NỠ VẬY?
Văn chương thi phú lỡ mang đeo,
Chẳng kể giàu sang hay khó nghèo,
Rèn tứ thanh tao, tình trải rộng,
Thả hồn mơ mộng, chữ không keo.
Khơi nguồn sinh thú, đừng buông bỏ,
Mở lối thương yêu, hãy nắm theo.
Lướt gió, tung mây nhìn thế sự...
Sao đành bẻ bút, ném bay vèo?
Minh Tâm
Sao Lại Bỏ ?
(Hoạ đáp "Bỏ Thơ" của Yên Hà)
Tơ vừa lấy dệt bảo không đeo ?
Nếu thật lòng ai muốn xoá nghèo
Sách lật đèn chong đừng sợ phí
Tai vò tóc bứt chớ thèm keo
Thơ người gợi hứng ngòi nương họa
Ý bạn khơi sầu bút nối theo
"Giã biệt" buông chi lời áo não
Thi ca đành đoạn thả trôi vèo ?
Việt Đường
(09/07/2009)
Thái Dương Thành, JUL-09-09
Thơ Đường đâu đã chết queo,
"ĐÔI LỜI ĐÚC KẾT" đánh liều xuống câu.
ĐÔI LỜI ĐÚC KẾT
Vốn mang nặng nghiệp bút nghiên đeo,
Thi bá Yên-Hà bạn chả nghèo.
Trên-Vạn-Nẻo-Đường lời há tiếc,
Du-Sơn Lãng-Tử chữ nào keo.
Thiên-Tâm vội-vã càng xông tới,
Ngô-Phủ rù-rì cũng chạy theo.
Lạc-Thủy, Minh-Tâm dư mực vẫy,
Từ-Thanh-Hà dịp họa vần "vèo".
TDT, JUL-09-09
Ngô Phủ
Thấy quí vị thi hào ''nhả ngọc phun châu" rộn ràng quá, Tha Nhân tôi cũng đua đòi góp it vần thô kệch để góp vui, xin quí vị đừng cười...
Nặng Nợ
Vốn mang nghiệp dĩ cũng đành đeo,
Dẫu biết văn chương giữ phận... nghèo
Vắt óc thâu đêm tìm ý kiệt,
Moi tim suốt sáng kiếm vần keo.
Thơ Đường, ghét Hán ta nên bỏ,
Bảy chữ, yêu nàng tớ phải theo.
Trắc trắc bằng bằng niêm với luật,
Lăng nhăng, nặng nợ khó mà vèo.
Cam thành, July 8, 2009
Tha Nhân kính họa
BÚT TRẬN
Bởi nặng gánh tình mới quảy đeo
Tấm lòng son sắt chẳng lo nghèo
Luyện tài hàn mặc đua bao thuở
Rèn chí tang bồng thử mấy keo
Đánh trống trước đình mời họ đến
Thủ đài giữa chợ hỏi ai theo
Phen nầy bay nhảy thơ sung sức
Trăm trận xông pha một cái vèo !
Thợ Rèn
July 9, 2009
THOÁNG THƠ
Dù cạn ý xong cũng gắng đeo
Thênh thang đâu xá quản chi nghèo
Vài ba xị rượu khi môi hứng
Đôi tám câu vần lúc vận keo
Gieo họa dở hay thôi kệ xác
Góp bài sai đúng cố tình theo
Văn chương tự thuở còn chưa sạch
một thoáng hương thơ thoảng cái vèo.
Tố Nguyên (09-7-2009)
KHỎI BAY VÈO …
Yêu thơ lòng vẫn mãi đù đeo
Đeo riết rồi ra phận cứ nghèo
Nghèo đến bút cùn nan kiếm chữ
Chữ bay trí lãng khó tìm keo
Keo này xin góp bài chung họa
Họa đó chớ suy … vận phải theo
Theo luật đường thi nên cố giữ
Giữ cho văn Việt khỏi bay vèo
Nguyễn Thành Tài
Thơ tàn tạ
Một thuở thơ tình vướng vít đeo
Mà nay ngấn lệ khóc duyên nghèo
Lời cay nguyệt vỡ nghiêng cành liễu
Giọng đắng mây tàn khuất bóng keo
Chữ rớt mưa tuôn sầu ập đến
Câu chìm bão dậy tủi òa theo
Thì thôi người đó ta đây nhớ
Gởi gió phương xa nhẹ tiếng vèo.
Yên Hà
Tâm Quyết
(họa mượn vận)
Ai bỏ riêng mình dốc chí đeo
Văn chương Hải Ngoại chẳng cho nghèo
Do tình đất tổ hoài mang nặng
Bởi nghĩa quê nhà vẫn giữ keo
Diệt ác kề vai thề tiếp nối
Truy tà sát cánh nguyện noi theo
Còn hơi thở sống còn tâm quyết
Đạn lắp vào thơ lấy bắn vèo !
Việt Đường
(11/07/2009)