5 tháng 7, 2011

Dỗ Giấc Quê Hương


Dỗ Giấc Quê Hương

Dỗ giấc ta về giữa cố hương
Có cha mẹ đứng đón vui mừng
Có đàn em dại ôm chầm lấy
Bè bạn quây quần kể nhớ thương

Dỗ giấc ta về thôn xóm xưa
Cầu tre in bóng dưới hàng dừa
Mục đồng vắt vẻo lưng trâu hát
Nghe sáo vi vu gội nắng trưa

Dỗ giấc ta về bên bến sông
Ầu ơ con nước chảy muôn dòng
Hòa bầy trẻ nhỏ nô đùa tắm
Thấy lại hồn mình thuở trắng trong

Dỗ giấc ta về chốn học đường
Rợp tàng phượng vỹ, bóng chim muông
Bảng đen, phấn trắng thời son trẻ
Hồi kẻng giờ tan náo phố phường

Dỗ giấc ta về ra rất xa
Nơi thơm ký ức một gian nhà
Dù ngày muối cải, đêm sàn đất
Nhưng đẹp vô ngần vạn sắc hoa

Việt Đường
(03/02/2007)

3 tháng 7, 2011

Vẽ Giấc Mộng Thường


Vẽ Giấc Mộng Thường

Anh thấy bóng mình quyện bóng em
Trong từng nét cọ vẽ thần tiên
Dã tràng trên bãi trầm ngâm khóc
Như hiểu tâm tình ta rất riêng

Anh cảm những lời em luyến trao
Lời nồng ưu ái đẹp thanh cao
Những gì em ước anh hằng ước
Là gắn bó nhau đến bạc đầu

Anh hứa vì em thắp thủy chung
Vào thơ ánh lửa cháy muôn trùng
Để khi nhớ đến xin em hãy
Cuộn ấm chăn nhau một tấm lòng

Vẽ mãi đi em giấc mộng thường
Trăm năm cầm sắt kết uyên ương
Mùa duyên mai gặt nghìn ân ái
Bõ tháng ngày dài đốt vấn vương

Việt Đường
(01/02/2007)

Giáp Xuân Nhớ Nhà

Giáp Xuân Nhớ Nhà

Giữa tiết đông xuân chạnh nhớ nhà
Nhớ mùi vị Tết dặm trường xa
Nhớ chiều trừ tịch mâm cơm cúng
Nhớ tối giao thừa bếp lửa ca
Nhớ pháo nổ dòn âm rộn rịp
Nhớ chuông ngân nhẹ tiếng hiền hoà
Nhớ cha nhớ mẹ và thôn xóm
Nhớ quấn bời bời nỗi thiết tha

Việt Đường
(01/02/2007)

1 tháng 7, 2011

Tưởng Tiếc Cố Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG


Tưởng Tiếc Cố Trung Tướng
NGÔ QUANG TRƯỞNG

Thành kính tiễn đưa trang dũng tướng
Vừa lìa cõi thế : NGÔ QUANG TRƯỞNG
Tài năng lãnh đạo nể mười phương
Phong cách chỉ huy khen tám hướng
Chiến tuyến xông pha mặc súng thù
Quân khu trấn giữ dầu lam chướng
Nghe tên khiếp vía giặc Hà thành
Người mất muôn lòng sa lệ tưởng

Việt Đường
(23/01/2007)


Con đường binh nghiệp

Ngô Quang Trưởng tốt nghiệp Khóa 4 Liên trường Võ khoa Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức năm 1954, ra trường được bổ nhiệm đại đội trưởng đại đội 1, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.

Năm 1955, ông tham gia cuộc tiễu trừ lực lượng Bình Xuyên và được đặc cách thăng cấp trung úy tại mặt trận.

Năm 1963, ông thăng cấp đại úy.

Năm 1964, ông thăng cấp thiếu tá và được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (TĐ5ND). Cùng năm 1964, TĐ5ND do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Đỗ Xá, thuộc quận Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, phá vỡ căn cứ địa của Bộ Tư lệnh Mặt Trận B1 của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMNVN), tịch thu 160 súng đủ loại.

Năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Hắc Dịch, thuộc vùng núi ông Trinh, tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), căn cứ của Công Trường 7 MTGPMNVN. Sau hai ngày chạm súng và gây thiệt hại nặng cho hai Trung Đoàn Q762 và Q762 thuộc Công Trường 7, ông được đặc cách thăng cấp trung tá tại mặt trận và được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.

Năm 1965 sau trận Hắc Dịch, ông được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù. Đến cuối năm 1965, bổ nhiệm Tham mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù. Ông được thăng cấp đại tá (năm 1966) khi giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn Nhảy Dù.

Năm 1966, sau biến cố bạo động miền Trung, ông được bổ nhiệm tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (SĐ1BB), dưới quyền chỉ huy của tư lệnh Quân đoàn I, thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm.

Năm 1967, các đơn vị thuộc SĐ1BB do ông chỉ huy, gồm Đại Đội Hắc Báo Trinh Sát, cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết Vận Xa M113, tăng phái Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù do Thiếu tá Nguyễn Thế Nhã chỉ huy, tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở và toàn bộ lực lượng du kích địa phương thuộc mặt trận Lương Cổ-Đồng Xuyên-Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau trận này ông được đặc cách thăng cấp chuẩn tướng (theo nguyên tắc của quân đội những người tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức chỉ được phong hàm tới Đại Tá).

Năm 1968, các đơn vị thuộc SĐ1BB do ông chỉ huy, tăng phái Chiến Đoàn I Nhảy Dù (gồm các Tiểu Đoàn 2, 7 và 9 Nhảy Dù) do Trung tá Lê Quang Lưởng chỉ huy đã phòng thủ thành công tại Huế trong 26 ngày (30 tháng 1 đến 24 tháng 2, 1968). Các đơn vị này đẩy bật các đơn vị xung kích của Quân Giải phóng miền Nam, gồm Đoàn 5 (các Tiểu Đoàn K4A, K4B, TĐ 12 đặc công nội thành, Thành Đoàn Huế) Đoàn 6 (các Tiểu Đoàn K41, K6, TĐ 13 đặc công nội thành Huế, các Đại đội đặc công 15,16,17,18, tăng cường một đại đội súng phòng không 37mm, hai đại đội du kích quận Hương Trà, Phong Điền, hai đại đội biệt nội thành Huế), và hai Tiểu Đoàn 416,418 thuộc Đoàn Cù Chính Lan (Đoàn 9). Tướng Trưởng và các đơn vị của ông đã giữ vững Huế và gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị tấn công Huế. Sau trận Mậu Thân ông được đặc cách thăng cấp thiếu tướng (tháng 5 năm 1968) và được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Quân đoàn IV, Quân khu IV.

Tháng 11 năm 1970 ông được thăng cấp trung tướng.

Năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Trị-Thiên. Lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Quân khu I đã bị nhiều tổn thất. Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm. Quân khu I được tăng cường toàn bộ lượng tổng trừ bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được sự yểm trợ tầm xa bởi Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đẩy lui và tái chiếm Thành cổ Quảng Trị và tất cả các phần đất bị chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh, gây nhiều thiệt hại cho các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1975, Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Với chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I, ông được lệnh tử thủ Huế, nhưng sau ít lâu lại nhận lệnh di tản toàn bộ Quân đoàn I vào Đà Nẵng. Cùng lúc đó tin tức về việc bỏ Cao Nguyên cùng dòng người tị nạn ước tính gần 2 triệu người ùn ùn đổ vào Đà Nẵng khiến thành phố trở nên hoảng loạn và không thể kiểm soát được. Tinh thần binh sĩ xuống rất thấp và do thiếu chuẩn bị, cuộc di tản hoàn toàn thất bại, tổn thất toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới của Quân đoàn I trong thời gian rất ngắn. Thiệt hại đáng kể nhất là việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất hoàn toàn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ có 3 triệu dân, và việc tan rã 4 sư đoàn quân chủ lực, trong đó có hai sư đoàn thuộc hàng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Sư đoàn 1 Bộ Binh và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, đưa đến sụp đổ toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng bất ngờ. Ông vào Sài Gòn và khai bệnh, dưỡng bệnh tại Sài Gòn cho đến khi Sài Gòn thất thủ. Ông di tản cùng gia đình qua Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Virginia.

Ông cũng là một trong số ít tướng lãnh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được đánh giá là thanh liêm trong sạch "Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng".

Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng qua đời vào lúc 3 giờ 20 sáng ngày 22 tháng 1 năm 2007 tại Virginia.

(theo wikipedia)

Dư Cảm


Dư Cảm

Em vẫn thế, vẫn là em ngày ấy
Suối tóc dài đen nhánh xoã bờ vai
Mắt bồ câu, e ấp dáng trang đài
Làn môi thắm thơm tho mùi hoa sữa

Em vẫn thế, vẫn là em từng thuở
Cười hồn nhiên giọng chim sáo trưa hè
Để khi về anh ngây ngất, si mê
Chân men lối nhưng lòng mơ ở lại

Em vẫn thế, vẫn nàng xuân khả ái
Hương trinh nguyên như một đoá lan rừng
Lay động hồn muôn cánh gió ngàn phương
Mây quên khóc và nắng hồng thôi nhớ

Em vẫn thế, hỡi người tình duyên nợ
Ta yêu em như sóng vỗ yêu thuyền
Như phím loan mơ nối kết dây uyên
Như Từ Thức say Giáng Hương động cổ

Chiều nay bước trên đường mòn phố nhỏ
Nghe dâng dâng dòng dư cảm khôn cùng
Biết mai này người còn của ta không
Riêng ta vẫn, vẫn một lòng .. ai đó

Việt Đường
(23/01/2007)

Mẹ Là Cánh Én Lòng Con

Mẹ Là Cánh Én Lòng Con

Mẹ là cánh én lòng con đó
Từ khi chưa biết nhớ biết yêu
Vì con tần tảo sáng chiều
Lo cơm, chạy áo, dạy điều lễ nghi

Mẹ tiêu biểu những gì đẹp nhất
Như hàng dừa, bóng mát, trăng thanh ..
Nuôi con khôn lớn an lành
Qua muôn khốn khó, điêu linh cuộc đời

Ngày con bỏ Mẹ trời phương ấy
Nhịp cầu giao ngỡ gẫy làm đôi
Hồn như thác núi ngậm ngùi
Ngóng trông, trông mãi về nơi Mẹ già

Lần con trở lại nhà năm trước
Mẹ ôm con ve vuốt thật lâu
Như xưa những lúc ốm đau
Tàn canh săn sóc, chịu bao nhọc nhằn

Trời đất khách đã gần Tết đến
Vạn chim rừng cất tiếng chào xuân
Thèm si một đoá ân cần
Tay Người thắm nở mênh mang thuở nào

Việt Đường
(23/01/2007)

Tạ Ơn


Tạ Ơn

Tạ ơn em một tấm lòng
Như sông như suối nối dòng biển anh
Tạ ơn nhau những chân thành
Ướp thơm thơ nhạc nghĩa tình sắt son

Tạ ơn Người, giấc cố hương
Miệt mài sưởi ấm đêm đông nhớ về
Giếng xanh, khói núi, hương quê
Ủ say gối mộng ngàn tia nắng ngày

Tạ ơn đời những đắm say
Muôn vinh nhục trải, bao cay đắng còn
Để ta hiểu được keo sơn
Khởi từ sinh tử đời thường mà ra

Tạ ơn mẹ, tạ ơn cha
Công lao dưỡng dục bao la biển trời
Kể từ chân đất, nằm nôi
Tới khi loạn lạc nổi trôi phương này

Tạ ơn các đấng cao dầy
Xưa nay che chở, an bày đời con
Cho con cuộc sống vuông tròn
Giúp con đi nốt đoạn đường tương lai

Việt Đường
(22/01/2007)

Đêm Trên Cành Nhớ



Trình bày NhưLy


Đêm Trên Cành Nhớ

Vẫn em là nỗi nhớ
Trôi mênh mang từng ngày
Vẫn em là đỉnh gió
Cuốn ta vùng đắm say

Là sen trên vũng buồn
Là trăng treo giữa hồn
Là mơ trên cành ước
Là cánh buồm sông Tương

Ta cách gì vói em
Ở ngày dài ngóng đêm
Ở mưa dầm khóc nắng
Sương tuyết lần dấu chim

Ta cách gì có nhau
Chung một trời chiêm bao
Đẩy xa đi hiện tại
Đắp cho đầy khát khao

Ta cách gì lãng quên
Rứt ra ngoài nhân duyên
Ngược về miền an tịnh
Xoá tro tàn con tim

Khuya ôm cung đàn hát
Nhớ, nhớ ai thật nhiều
Bóng sao tàn mờ khuất
Vẫn ta ngồi cô liêu

Việt Đường
(22/01/2007)

Nhờ Em ..


Nhờ Em ..

Nhờ em ta có được nguồn thơ
Chảy mãi dòng xanh vạn bến bờ
Như suối như sông không biết ngủ
Êm đềm uốn khúc tự ban sơ

Nhờ em ta có được tình yêu
Dẫu chịu ưu tư, luyến nhớ nhiều
Bởi những em cho là bất diệt
Không gì sánh được hạt mầm gieo

Nhờ em ta có được niềm tin
Ở bước cam go, buổi yếu mềm
Bởi lúc trong nhau hoà nhịp thở
Nề chi đất lở với trời nghiêng

Nhờ em ta có được em ơi
Những xuyến xao dâng quá tuyệt vời
Dịu ngọt phiêu lưu đời hiếm quý
Giao hoà mãi mãi đọng còn tươi

Nhờ em ta sớm hiểu ra rằng
Ở đáy tình nào có dối gian
Chẳng giới ranh lòng, không hạn hẹp
Khi lời sông biển ngỏ trăm năm

Việt Đường
(21/01/2007)

Nương Tựa Đời Nhau

Nương Tựa Đời Nhau

Anh biết lệ em đã đổ nhiều
Buổi tình giũ áo với người yêu
Lao đao lắm bận khi sương sớm
Bải hoải nhiều phen lúc ráng chiều
Thì hãy vai này nương dáng ngọc
Cũng xin gối nọ ngả thân kiều
Bên nhau sẻ nửa từng gian khó
Đời sẽ vơi sầu bớt tịch liêu

Việt Đường
(20/01/2007)

Thái Dương Thành, JAN-20-07

Xin cho NP họa "NƯONG TỰA ĐỜI NHAU" của Hầu tước gia để góp ý :

VỢ CHỒNG ĐỀU CÓ SỐ

Trường tình lắm kẻ khổ đau nhiều.
Mà hỏi mấy ai thoát chẳng yêu ?
Vẹn ước tha hồ quên giấc tối,
Tròn mơ mặc sức sánh vai chiều.
Vong thề vẫn tiếc se cầm sắt,
Lỗi thệ còn mong nối nhịp kiều.
Nếu biết vợ chồng đều có số,
Cầm bằng chấp nhận cảnh cô liêu.

TDT, JAN-20-07
Ngô Phủ