1 tháng 7, 2011

Tưởng Tiếc Cố Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG


Tưởng Tiếc Cố Trung Tướng
NGÔ QUANG TRƯỞNG

Thành kính tiễn đưa trang dũng tướng
Vừa lìa cõi thế : NGÔ QUANG TRƯỞNG
Tài năng lãnh đạo nể mười phương
Phong cách chỉ huy khen tám hướng
Chiến tuyến xông pha mặc súng thù
Quân khu trấn giữ dầu lam chướng
Nghe tên khiếp vía giặc Hà thành
Người mất muôn lòng sa lệ tưởng

Việt Đường
(23/01/2007)


Con đường binh nghiệp

Ngô Quang Trưởng tốt nghiệp Khóa 4 Liên trường Võ khoa Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức năm 1954, ra trường được bổ nhiệm đại đội trưởng đại đội 1, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.

Năm 1955, ông tham gia cuộc tiễu trừ lực lượng Bình Xuyên và được đặc cách thăng cấp trung úy tại mặt trận.

Năm 1963, ông thăng cấp đại úy.

Năm 1964, ông thăng cấp thiếu tá và được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù (TĐ5ND). Cùng năm 1964, TĐ5ND do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Đỗ Xá, thuộc quận Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, phá vỡ căn cứ địa của Bộ Tư lệnh Mặt Trận B1 của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMNVN), tịch thu 160 súng đủ loại.

Năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Hắc Dịch, thuộc vùng núi ông Trinh, tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), căn cứ của Công Trường 7 MTGPMNVN. Sau hai ngày chạm súng và gây thiệt hại nặng cho hai Trung Đoàn Q762 và Q762 thuộc Công Trường 7, ông được đặc cách thăng cấp trung tá tại mặt trận và được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.

Năm 1965 sau trận Hắc Dịch, ông được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù. Đến cuối năm 1965, bổ nhiệm Tham mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù. Ông được thăng cấp đại tá (năm 1966) khi giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn Nhảy Dù.

Năm 1966, sau biến cố bạo động miền Trung, ông được bổ nhiệm tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (SĐ1BB), dưới quyền chỉ huy của tư lệnh Quân đoàn I, thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm.

Năm 1967, các đơn vị thuộc SĐ1BB do ông chỉ huy, gồm Đại Đội Hắc Báo Trinh Sát, cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết Vận Xa M113, tăng phái Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù do Thiếu tá Nguyễn Thế Nhã chỉ huy, tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở và toàn bộ lực lượng du kích địa phương thuộc mặt trận Lương Cổ-Đồng Xuyên-Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau trận này ông được đặc cách thăng cấp chuẩn tướng (theo nguyên tắc của quân đội những người tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức chỉ được phong hàm tới Đại Tá).

Năm 1968, các đơn vị thuộc SĐ1BB do ông chỉ huy, tăng phái Chiến Đoàn I Nhảy Dù (gồm các Tiểu Đoàn 2, 7 và 9 Nhảy Dù) do Trung tá Lê Quang Lưởng chỉ huy đã phòng thủ thành công tại Huế trong 26 ngày (30 tháng 1 đến 24 tháng 2, 1968). Các đơn vị này đẩy bật các đơn vị xung kích của Quân Giải phóng miền Nam, gồm Đoàn 5 (các Tiểu Đoàn K4A, K4B, TĐ 12 đặc công nội thành, Thành Đoàn Huế) Đoàn 6 (các Tiểu Đoàn K41, K6, TĐ 13 đặc công nội thành Huế, các Đại đội đặc công 15,16,17,18, tăng cường một đại đội súng phòng không 37mm, hai đại đội du kích quận Hương Trà, Phong Điền, hai đại đội biệt nội thành Huế), và hai Tiểu Đoàn 416,418 thuộc Đoàn Cù Chính Lan (Đoàn 9). Tướng Trưởng và các đơn vị của ông đã giữ vững Huế và gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị tấn công Huế. Sau trận Mậu Thân ông được đặc cách thăng cấp thiếu tướng (tháng 5 năm 1968) và được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Quân đoàn IV, Quân khu IV.

Tháng 11 năm 1970 ông được thăng cấp trung tướng.

Năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Trị-Thiên. Lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Quân khu I đã bị nhiều tổn thất. Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm. Quân khu I được tăng cường toàn bộ lượng tổng trừ bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được sự yểm trợ tầm xa bởi Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đẩy lui và tái chiếm Thành cổ Quảng Trị và tất cả các phần đất bị chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh, gây nhiều thiệt hại cho các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1975, Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Huế-Đà Nẵng. Với chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I, ông được lệnh tử thủ Huế, nhưng sau ít lâu lại nhận lệnh di tản toàn bộ Quân đoàn I vào Đà Nẵng. Cùng lúc đó tin tức về việc bỏ Cao Nguyên cùng dòng người tị nạn ước tính gần 2 triệu người ùn ùn đổ vào Đà Nẵng khiến thành phố trở nên hoảng loạn và không thể kiểm soát được. Tinh thần binh sĩ xuống rất thấp và do thiếu chuẩn bị, cuộc di tản hoàn toàn thất bại, tổn thất toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới của Quân đoàn I trong thời gian rất ngắn. Thiệt hại đáng kể nhất là việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa mất hoàn toàn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ có 3 triệu dân, và việc tan rã 4 sư đoàn quân chủ lực, trong đó có hai sư đoàn thuộc hàng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Sư đoàn 1 Bộ Binh và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, đưa đến sụp đổ toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng bất ngờ. Ông vào Sài Gòn và khai bệnh, dưỡng bệnh tại Sài Gòn cho đến khi Sài Gòn thất thủ. Ông di tản cùng gia đình qua Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Virginia.

Ông cũng là một trong số ít tướng lãnh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được đánh giá là thanh liêm trong sạch "Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng".

Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng qua đời vào lúc 3 giờ 20 sáng ngày 22 tháng 1 năm 2007 tại Virginia.

(theo wikipedia)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét