18 tháng 10, 2022

Thu Về Khơi Dậy Niềm Riêng


Thu Về Khơi Dậy Niềm Riêng

Hình như mùa thu đã đến
Giăng vàng khắp nẻo gần xa 
Lao xao lá sầu ngân tiếng
Mỗi khi nắng rũ chiều tà

Hình như lá vàng gửi gắm
Niềm riêng đôi lứa chúng mình
Có bao la lời đằm thắm
Có bàng hoàng nỗi điêu linh

Hình như mưa phùn vừa đổ
Ướt muôn xác lá rơi nhàu
Nghe như ai vừa tắt thở
Sau nhiều tang tóc bể dâu

Hình như trái tim anh cũng
Chông chênh tựa lá bên đường
Cố ngoi ngóp dòng nước sũng
Chực oà bao tiếng thảm thương

Hình như thu về gợi nhớ
Tình yêu nhức nhối đầu đời
Lá xanh để rồi lá úa
Như người xa khuất đời tôi

Hình như võ vàng đeo mãi
Niềm riêng giấu kín bên lòng
Khiến ta cả đời ngây dại
Khi nhìn thu ghé ngoài song

Việt Đường
(18/10/2022)

10 tháng 10, 2022

Ukraine, Gương Chiến Đấu Can Trường

Ukraine, Gương Chiến Đấu Can Trường

Sáu tháng can trường đuổi ngoại xâm
Được Âu, Mỹ giúp quả không lầm
Quân luôn vững bước nguy dù trải
Tướng chẳng mềm lòng khó dẫu lâm
Đảm lược trừ gian vây ráo riết
Trung kiên đối pháo nả ì ầm
Gương ngời quyết thắng mười phương phục
Trước gót tà quyền nặng dã tâm

Việt Đường
(10/10/2022)



 

9 tháng 10, 2022

Mộng Bành Trướng Chớ Đeo Mang

Mộng Bành Trướng Chớ Đeo Mang

Ngỡ giành thắng lợi tiến quân sang
Thiệt hại nào hay chuốc bẽ bàng
Pháo rụi đồng xanh xe ụ bãi
Thây dìm lửa đỏ súng vùi hang
Nhân hoà chẳng thuận phiền thêm gánh
Địa lợi không dung bại tất quàng
Giấc mộng san bằng xưng bá chủ
Khôn hồn vứt bỏ chớ đeo mang

Việt Đường
(09/10/2022)


 

6 tháng 10, 2022

Tầm


Tầm

Tình trạng dùng từ ngữ đặc thù của người miền Bắc ngày càng phổ biến, lan rộng, dù biết rằng đó là điều khó tránh bởi người Bắc vào miền Nam và miền Trung sinh sống, làm việc và nếu không muốn nói là "cai trị" ngày càng nhiều, kể từ sau tháng 4 năm 1975. Tuy nhiên, xu hướng chiều theo họ, xài ngôn ngữ của họ một cách mù quáng là điều không nên. Miền Trung có từ ngữ của miền Trung, miền Nam có từ ngữ của miền Nam, hà cớ gì ta phải loại bỏ hết để xài chữ nghĩa của đàng ngoài (miền Bắc, theo cách nói của người Việt trong nước) kia chứ!?

Tôi không phân biệt Nam, Bắc nhưng khi thấy người miền Nam xài từ miền Bắc quá nhiều cũng không khỏi mang cảm giác khó chịu và khi thấy người Việt nước ngoài cũng bắt chước dùng theo thì càng thấy bực bội hơn. Có 1 chữ mà tôi thấy người Việt khắp nơi ưa "mượn dùng" là chữ "tầm". Đi đâu cũng thấy tầm, tầm everywhere, tầm partout! Ví dụ như "tầm" được dùng trong mẩu đối thoại dưới đây:

- Tầm mấy giờ chú tới?
- Tầm 1g rưỡi chiều. Tôi sẽ đi với 1 cậu thanh niên tầm 20 tuổi. Từ nơi tôi đến nơi này mất tầm 45 phút. Ở chơi tầm nửa tiếng rồi chúng tôi lại đi ngay.

Thay vì:

- Khoảng mấy giờ chú tới?
- Chừng 1g rưỡi chiều. Tôi sẽ đi với 1 cậu thanh niên trạc 20 tuổi. Từ nơi tôi đến nơi này mất độ 45 phút. Ở chơi cỡ nửa tiếng rồi chúng tôi lại đi ngay.

Tức cảnh nên mới có 4 câu Lục Bát than trách như sau:

Thay vì viết "khoảng, cỡ, chừng.."
Giờ ai cũng thuận cũng ưng viết "tầm"
Quên vèo mình gốc Trung, Nam
Đúng là tầm bậy, tầm xàm quá đi!

Việt Đường
(06/10/2022)

---

Phản hồi của bạn hữu và độc giả:

Ngoc Bui: Đúng rồi, nhiều từ chế sau này nghe thấy ghét, khg hợp lỗ tai. Như: trải nghiệm, tiến độ…
Việt Đường: Thay vì nói là "mức độ tiến triển", người CS chế và ghép thành "tiến độ" nghe thật khó hiểu. Còn "trải nghiệm" thì có lẽ là "kinh nghiệm trải qua" chăng, thay vì chỉ cần nói 1 cách dễ hiểu là để "thu thập kinh nghiệm" cho mình, vân vân.

Thuan Xt Truong: Góp ý "cực kỳ" có lý 🤣
Việt Đường: May mà anh không viết là "siêu" có lý 😀
Em Belamanhoi: Thuan Xt Truong Tôi vẫn thích dùng từ RẤT, hoặc RẤT, RẤT ....RẤT. Từ CỰC nghe nó nghèo nàn trong văn chương làm sao đó !!!! Nghe... chướng lỗ tai làm sao đó.
Việt Đường: Em Belamanhoi "Cực" dùng để diễn tả sự tột đỉnh, trong khi đó "rất" chỉ mang ý nghĩa là nhiều thôi. "Cực" không nghèo nàn đâu bạn hiền mà chỉ là bình dân thôi. Ngày nay ở VN ít xài chữ này, họ thay nó bằng "siêu". Ví dụ: Siêu dễ (thay vì cực dễ), siêu ngon (cực ngon), siêu khó (cực khó), vân vân. Tuy vậy, có những từ cực không thể thay thế được. Ví dụ: cực hữu, cực Nam, cực Bắc...

Phụng Tiên La: 
- Em cũng hơi có chút bảo thủ, cũng suy nghĩ như anh, là bây giờ họ xài chữ miền Bắc (sau 1975 nhiều quá) em cũng không thích cách nói lẫn lộn vùng miền như vậy.
- Em thì bị dị ứng chữ "ạ". Người miền Nam mà không nói "dạ" mà toàn là nói "ạ", còn có nhiều người "ba rọi" nữa là: đầu câu là "dạ", cuối câu thêm tiếp "ạ".
Việt Đường: Về chữ "ạ" thì trước kia cô Mai Thị Mùi có viết 1 tút, 1 bài về điều này mà lâu quá anh quên nội dung rồi. Còn về "dạ" thì có người miền Nam lại viết và nói là "dạ vâng" mới là ghê! 😀
Em Belamanhoi: Phụng Tiên La Không!!! Bảo thủ con mịa gì!!! Tôi cũng vậy. "Đ. mẹ", bây giờ nghe chữ "ạ", chữ "tầm" và nhiều chữ khác nhập cảng từ miền Bắc vào thấy phát ghét! Đếch lọt lỗ tai chút nào!
Việt Đường: Em Belamanhoi Take it easy, my friend. You must convince your interlocutor with arguments, not with swear words, haha.
Việt Đường: Phụng Tiên La Tánh người bạn học của anh bộc trực, nghĩ gì phang nấy, em đừng chấp 🙂
Em Belamanhoi: Việt Đường Tôi không phân biệt vùng miền nhưng mỗi khi nghe giọng Bắc thì cái lỗ tai nó lùng bùng. Mà đặc biệt là cái đám nhỏ Bắc kỳ bây giờ. "Mầy biết bố mầy là ai không?" Nghe muốn đập cho một trận!
Việt Đường: Em Belamanhoi Mấy chữ Đ. mà ông đang xài để chửi thề cũng là của người Bắc đó ông. Ở đó mà ghét với không ghét! 😀
Em Belamanhoi: Việt Đường Thật vậy, người Bắc hay dùng từ Đ. Mẹ, Đ. Bố, thêm vào đó cái tính cách nói chuyện... Đa số tôi thấy họ đưa đãi, khách sáo... nghe phát ghét.
VĐ biết không, có một lần tôi xem trên youtube có 1 con bé Thủy Bi nào đó người Bắc (có lẽ cũng là con Ông, cháu Cha). Nó lên tiếng v/v con nó bị hành hung ở trường học quốc tế (Việt Nam). Đâu đó nó nói người miền Nam là những kẻ vô dụng, v.v., chính vì thế mà lãnh đạo Việt Nam toàn là người Bắc cầm quyền. Tuy nhiên, xét cho cùng cũng có người Bắc nói chuyện từ tốn, chậm chạp nghe rất dễ gây thiện cảm.

Mimi Le: A nói đúng hén, thay vì khoảng mấy giờ hay cỡ mấy giờ, hihi.

5 tháng 10, 2022

Ngày Về Thăm Mẹ

Chiều thu chạnh nhớ mẹ hiền
Ôn về mượn bút lại biên dăm hàng..

Ngày Về Thăm Mẹ 

Ngày về thấy mẹ bỗng già đi
Cảm xúc trong con dấy lạ kỳ
Tựa tiếng mưa sầu rơi phố nhỏ
Đan thành ngấn lệ chảy bờ mi 

Ngày về ký ức mãi hằn in
Bóng dáng thân thương của mẹ hiền
Tóc bạc da mồi gầy guộc hẳn
Nụ cười tuy vẫn giữ trinh nguyên 

Ngày về nắng đẹp trải đầy sân
Ấm áp thơm tho lẫn sáng ngần
Sáng giống lòng me khi hội ngộ
Con khờ cách biệt ngót bao xuân 

Ngày về mẹ nấu đãi con ăn
Đủ món con yêu thuở nhọc nhằn
Chứa đựng bao la tình mẫu tử
Bồi hồi tiếc nhớ dạ khôn ngăn 

Ngày về quấn quýt mãi bên nhau
Mẹ kể con nghe những dãi dầu
Cuộc sống nhà ta từng gánh chịu
Pha nhiều nước mắt lẫn thương đau 

Ngày về chỉ mới được vài năm
Lúc bước vào thu đón nguyệt rằm
Ngỡ được dài lâu bên mẹ nhỉ
Nào ngờ phút chốc đã xa xăm! 

Việt Đường
(05/10/2022)

4 tháng 10, 2022

Có Công Mài Bút Có Ngày Nên Thơ


 Có Công Mài Bút Có Ngày Nên Thơ

Thi ca mỗi bước khổ công rèn
Chất lượng ra đời hẳn được khen
Luật hiểu cho thông cần nhớ kỹ
Niêm theo thật sát chớ xem quèn
Ôn hoài học mãi ngòi thêm sắc
Hoạ lắm làm nhiều bút sẽ quen
Kiến thức từng ngày chăm góp nhặt
Dần khai trí tuệ sáng như đèn

Việt Đường
(04/10/2022)

25 tháng 9, 2022

Thuế Nặng


Thuế Nặng

Thuế má năm nào cũng rập khuôn

Xem thư suýt nữa vắt chân chuồn

Cipav đóng nặng rêm đầu quá

Urssaf chi nhiều dựng tóc luôn

Dẫu biết lương cao thường lãnh đập

Song ôm vố mạnh khó ngăn buồn

Quân sư lách luật tìm đâu kẻ

Hiến kế cho tiền giảm tháo tuôn?

 

Việt Đường

(25/09/2022)

24 tháng 9, 2022

Niềm Khích Lệ


Niềm Khích Lệ

Dự án hoàn thành được ngợi khen

Làm ai nấy cũng thích ghê, mèn

"Bravo l'équipe!" câu vừa ngỏ

"Super boulot!" tiếng lại chen

Dẫu chẳng thăng quan và tiến chức

Hay không nổi trống lẫn đưa kèn

Điều chi nổi trội giành cho sở

Đủ thấy hài lòng cứ mỗi phen

 

Việt Đường

(24/09/2022)

17 tháng 9, 2022

Chiều Phai Nhớ Người


Chiều Phai Nhớ Người

Chiều vàng tha thẩn

Lẩn quẩn bên đàng

Có con chim nhỏ hót vang

Lời ca tình tự trên hàng lá rơi

 

Mây trời đang lướt

Trắng muốt non bồng

Chợt dừng như tỏ cảm thông

Với niềm tâm sự mãi nồng nàn gieo

 

Lưng đèo buông gót

Chót vót trông xa

Nhẹ trôi một nhánh giang hà

Về đâu giữa chốn thiên la mịt mờ?

 

Ngẩn ngơ buồn hỏi

Đá sỏi, rong rêu

Chỉ nghe thinh lặng rơi đều

Hắt hiu vọng lại cheo leo truông dài

 

Chiều phai, nắng nhạt

Ngồi hát một mình

Chìm dần trong cõi phù sinh

Hồn ta quyện lấy bóng hình người xưa..

 

Việt Đường

(17/09/2022)

15 tháng 9, 2022

Nếu Như..


Nếu Như..

Nếu như.. anh là tiếng nhạc

Ước gì em hóa lời thơ

Lời thơ đan vào tiếng nhạc

Yêu đương kết nối mong chờ

 

Nếu như.. anh là cánh bướm

Này em có muốn là hoa?

Để anh ngày ngày ghé lại

Hôn lên từng phiến ngọc ngà

 

Nếu như.. anh là gió lượn

Chi bằng em hóa thành trăng

Đêm sang nhịp nhàng trăng gió

Đong đưa dạ khúc xích thằng

 

Nếu như.. anh là sóng biển

Thì em là cát mềm kia

Vỗ về sóng ôm lòng cát

Trăm năm chẳng thể chia lìa

 

Nếu như.. anh là bến đỗ

Xin em hóa chiếc thuyền con

Bến lành anh luôn rộng mở

Đón em sau những mỏi mòn

 

Nếu như.. nếu như thôi nhé

Vì anh thừa hiểu kiếp này

Tình duyên muộn màng hai đứa

Sẽ rồi tựa lá vàng bay..!

 

Việt Đường

(15/09/2022)


Bài thơ vừa được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân phổ nhạc và trình bày, mời quý vị ghé thưởng thức ở đường dẫn sau đây: 



Karaoke video do La Phụng Tiên thực hiện